Trước khi quyết định mở chuỗi nhà hàng phở ở Slovakia, cơ duyên của chị với phở bắt đầu như thế nào?
Tôi về Việt Nam lần đầu vào năm 2003, khi mới 11 tuổi, cảm giác đầu tiên xuống máy bay giống như được trở về nhà vậy. Ngay từ giây phút đó, tôi biết mình đã yêu những thứ thuộc về nơi này. Khi được thưởng thức món phở lần đầu tiên, tôi đã yêu nó.
Về Slovakia, tôi không thể tìm được một cửa hàng nào phục vụ món phở đúng vị Việt Nam mà mình đã thưởng thức. Đó cũng là một trong những lý do tôi quyết định mở nhà hàng "Phở" vào năm 2017.
Thưởng thức phở ở Việt Nam, yêu món ăn này, rồi về Slovakia mở chuỗi nhà hàng mang tên Phở nghe có vẻ hơi lãng mạn quá với kinh doanh hay không khi chị không phải là người trong ngành này?
(Cười) Đúng là tôi không thể làm món phở ngon được mà chỉ thích được nấu và ăn ngon thôi. Còn việc mở chuỗi nhà hàng Phở là vì tôi nhìn thấy cơ hội. Cách đây khoảng 5 năm, ở các trung tâm thương mại Slovakia không có nhiều lựa chọn về ẩm thực cho khách hàng. Khu vực ăn uống ở trung tâm thương mại đúng là một ác mộng. Ở đâu cũng chỉ là gà rán, hamburger, rồi McDonald’s.
Thấy được tiềm năng khi mở nhà hàng ở các trung tâm thương mại, tôi đã gọi điện ngay cho anh họ mình, hỏi anh ấy có muốn mở nhà hàng với tôi không. Anh họ tôi từng có kinh nghiệm mở nhà hàng trước đó, và anh ấy đồng ý. Anh ấy phụ trách về bếp, còn tôi chịu trách nhiệm về kế hoạch, tài chính, kinh doanh…
Theo chị, điều gì giúp cho nhà hàng Phở của mình khác biệt và có thể thành công khi cạnh tranh với nhiều nhà hàng khác ở các trung tâm thương mại?
Những yếu tố chính giúp chúng tôi thành công đơn giản là phục vụ nguyên liệu tươi ngon và món ăn Việt Nam. Nếu bạn đến một nhà hàng châu Á nào đó ở đây, cách họ nấu ăn hay đồ ăn đều là thức ăn nhanh (fast-food) và không tốt cho sức khỏe.
Còn với nhà hàng của tôi, mọi người đến đặt món, lúc đó món ăn mới được nấu một cách nhanh chóng vì chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ từ trước. Phục vụ nhanh chóng và món ăn luôn nóng hổi, với nguyên liệu tươi ngon chính là thế mạnh của Phở. Tôi thích nói rằng Phở đã bắt đầu "slow fast-food" ở các trung tâm thương mại tại Slovakia.
Nhưng trong ngành này, khẩu vị là một vấn đề rất quan trọng. Làm thế nào để các món ăn cũng như cách phục vụ của Phở có thể làm cho những khách hàng ở Slovakia thích thú?
Lợi thế lớn nhất mà những Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở Slovakia giống như tôi có được đó là sự hiểu biết về cả 2 nền văn hóa. Tôi hiểu con người ở đây thích gì, muốn được phục vụ như thế nào. Sau đó, tôi truyền đạt và thảo luận với anh Thắng (người anh họ phụ trách phần bếp -PV) về việc lên công thức cho món phở sao cho phù hợp với thực khách nơi đây.
Để làm được điều đó, chúng tôi thử nghiệm rất nhiều. Thậm chí, tôi còn đưa anh Thắng đến các nhà hàng ở Slovakia, rồi thảo luận xem chúng tôi có thể làm tốt hơn những nhà hàng này như thế nào.
Bên cạnh đó, 100% đầu bếp ở nhà hàng của tôi là người Việt nên đây có thể xem là lợi thế lớn so với những nhà hàng khác có đầu bếp là người Slovakia hay người Trung Quốc. Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi bán phở "auth" (chính hãng). (cười)
Làm việc ở một quỹ đầu tư vốn là công việc mơ ước của nhiều người Việt ở nước ngoài, với thu nhập tốt và ổn định hơn nhiều so với việc mở nhà hàng – một lĩnh vực rất vất vả, khó khăn và cạnh tranh cao. Vì sao chị lại bỏ việc để chọn mở nhà hàng Phở?
Tôi sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Slovakia, bố mẹ tôi là những người Việt Nam đầu tiên ở đó. Những người Việt Nam đến đây không hề dễ dàng và họ rất chăm chỉ, làm tất cả những gì có thể. Người Việt ở đây cũng mở nhà hàng món ăn châu Á. Khi lớn lên, tôi luôn tự nhủ rằng mình phải học thật giỏi để có thể tự mở nhà hàng hay văn phòng hoặc làm việc ở quỹ đầu tư.
Tôi nhìn thấy cơ hội khi đến Việt Nam. Tôi đã rất trầm trồ, có quá nhiều món ăn, quá nhiều hương vị. Người Slovakia nghĩ rằng món ăn Việt Nam cũng giống như món ăn Trung Quốc. Họ không hề biết đến phở hay bún bò Nam bộ. Thậm chí những người Việt ở đây cũng chỉ mở nhà hàng bán khoai tây chiên, gà rán…
Lúc đó tôi nghĩ tại sao mọi người lại không nấu món ăn quê hương, giới thiệu quê hương mình đến vùng đất này. Tôi có cơ hội được đi khá nhiều nơi với chồng mình và chúng tôi luôn hy vọng mình có thể mở một nhà hàng nhỏ vào một ngày nào đó. Và rồi cơ hội đến nên chúng tôi nắm bắt nó. Nên có lẽ là nhà hàng chọn tôi chứ không hẳn là tôi chọn nhà hàng.
Còn bỏ việc ở quỹ đầu tư để khởi nghiệp với Phở có lẽ bắt nguồn từ việc bố mẹ tôi cũng là dân kinh doanh và tôi lớn lên trong môi trường này nên đó như một điều tự nhiên. Tôi vẫn luôn muốn tự xây dựng một thứ gì đó của riêng mình.
Trước đây, tôi cũng từng bán hàng online, tham gia sàn thương mại điện tử nhưng thất bại. Tôi mất tiền nhưng không sao hết. Tôi lại tiếp tục mở cửa hàng nail và tôi nhận ra đây không phải thứ dành cho tôi. Tôi đã lỗ khoảng 5.000 euro cho cửa hàng. Thậm chí tôi còn không chăm chút gì móng tay của mình (cười).
Một người Việt Nam kinh doanh ở châu Âu có gặp khó khăn hơn so với những người bản địa ở Slovakia hay không và chị giải quyết thách thức đó như thế nào?
Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất là rào cản ngôn ngữ. Riêng tôi thì không có rào cản gì về ngôn ngữ. Anh họ tôi phụ trách bếp và biết tiếng Việt, tôi thì ở đây từ bé, thông thạo tiếng Slovaki, tiếng Anh và cũng hiểu được tiếng Việt.
Ở Slovakia, người Việt Nam rất chịu khó, họ luôn tìm được cách để xoay sở, trong khi nhiều người Slovakia hay trông chờ vào Chính phủ. Đôi lúc tôi cảm thấy người Việt Nam kinh doanh tốt hơn người Slovakia.
So sánh với công việc trước đó ở Sharow Capital, việc mở cửa hàng phở sẽ khác biệt ra sao?
Đó là 2 thế giới hoàn toàn khác nhau. Công việc của tôi ở Sharow Capital liên quan đến lĩnh vực bất động sản, chủ yếu tập trung vào việc phân tích và làm thế nào để có thể tạo ra giá trị cho các nhà đầu tư.
Còn mở nhà hàng phở mở ra một thế giới mới đối với tôi. Chúng tôi phục vụ các món ăn Việt, truyền tải văn hóa dân tộc. Tôi thực sự cảm thấy tự hào khi có thể mang món ăn Việt ra nước ngoài, cho người nước ngoài thấy món Việt như thế nào.
Nhìn chung, việc mở một nhà hàng Việt Nam có ý nghĩa rất lớn với bản thân tôi và tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Tôi có thể cảm nhận, nhìn thấy, thậm chí là thưởng thức chính sản phẩm, thành quả mà mình làm ra, khác hẳn với những con số trừu tượng mơ hồ khi còn làm việc ở Sharow Capital.
Kinh nghiệm làm việc ở quỹ đầu tư và Sharow Capital trước đó giúp ích gì cho chị trong việc quản lý và vận hành chuỗi nhà hàng?
Làm việc trong ngành bất động sản giúp tôi hiểu rõ hơn về lựa chọn địa điểm bán hàng. Vào năm 2012, bất động sản là một thị trường có tính cạnh tranh cao. Tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi phải nghĩ ra các cách mới để thu hút khách hàng. Nhưng tôi đã có được rất nhiều kinh nghiệm từ đây nhờ việc suy nghĩ khác biệt.
Nghề bất động sản ở Slovakia nói riêng và châu Âu nói chung lúc đó đa phần là nam giới ở độ tuổi 40, có rất ít phụ nữ. Lúc đó tôi hoàn toàn không có một chút kinh nghiệm gì và được giao cho một dự án rất lớn. Nhưng may mắn là tôi có người hướng dẫn rất tốt, luôn giúp đỡ và động viên tôi hãy suy nghĩ khác biệt.
Tuy nhiên, về mặt quản lý, cả 2 công việc đều là về cách làm thế nào để thu hút, ứng xử và giao tiếp với với khách hàng nên với tôi, 2 công việc gần như giống nhau, chỉ là khác về sản phẩm cuối cùng.
Làm việc ở quỹ đầu tư đã giúp tôi viết phân tích và lên kế hoạch và chiến lược kinh doanh, marketing, phân tích các đối thủ cạnh tranh… Tôi nghĩ, việc có thể phân tích được bối cảnh kinh doanh khá quan trọng.
Thực tế, nhiều người khác cũng có ý tưởng mở nhà hàng, chẳng hạn như bán đồ ăn Ấn Độ chẳng hạn; nhưng rồi họ thất bại vì không có kinh nghiệm trong việc phân tích các yếu tố tác động, lên kế hoạch để hành động, tính toán về tài chính….
Vậy bây giờ chị còn sợ thất bại không?
Có chứ. Đôi lúc tôi sợ là mình không thể giữ được chất lượng món ăn như trước hay không giữ được nhân viên làm việc cho mình. Trước đó, tôi làm cho công ty bất động sản 8 năm và ra kinh doanh được gần 5 năm, tôi có thể thấy được vòng kinh doanh sẽ tốt hay xấu. Sau khi hiểu được vòng kinh doanh, nó giúp tôi vượt qua nỗi sợ và lên kế hoạch tốt hơn cho những năm tiếp theo. Điều giúp tôi vượt qua nỗi sợ là phân tích được tình hình thực tế.
Khi mở nhà hàng đầu tiên, chị gặp khó khăn lớn nhất là gì?
Khó khăn lớn nhất khi mở nhà hàng phở đầu tiên là tìm kiếm và giữ chân những nhân sự giỏi. Tôi còn nhớ, trước ngày khai trương nhà hàng khoảng 1-2 tuần, đầu bếp chính của chúng tôi lúc đó đã quyết định nghỉ việc để mở một nhà hàng riêng.
Và chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tìm đầu bếp thay thế, cũng như nhân viên phục vụ. Chưa kể, thời điểm mới mở nhà hàng tôi vẫn còn làm ở công ty cũ, đã có những hôm tôi phải tranh thủ giờ nghỉ trưa đến hỗ trợ phục vụ nhà hàng.
Thậm chí, đến tận bây giờ việc tìm và giữ được những nhân viên xuất sắc, đồng thời đảm bảo chất lượng món ăn vẫn luôn là một vấn đề lớn đối với tôi. Khi mở thêm nhà hàng thì việc đảm bảo chất lượng cao rất khó. Hai nhà hàng thì ổn nhưng 5 hay 10 nhà hàng thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Chúng tôi không phải McDonald’s. Mọi việc trong nhà hàng từ chuẩn bị nguyên liệu, nấu ăn đều do các đầu bếp thực hiện.
Tôi luôn cố gắng tạo ra một môi trường làm việc, văn hoá kinh doanh phù hợp để mọi nhân viên đều cảm thấy thoải mái khi làm việc ở nhà hàng. Họ vừa có thể kiếm thêm thu nhập, vừa có thể cảm thấy mình đang góp phần xây dựng nên một nhà hàng tốt trên thị trường. Tôi coi họ như gia đình và hy vọng họ cũng thấy vậy.
Chị mở nhà hàng thứ 2 và 3 khi mới sinh con trai. Trong thời gian đó, chị đã làm xử lý công việc ra sao?
Đó là một khoảng thời gian rất khó khăn nhưng tôi có sự giúp đỡ và ủng hộ từ gia đình, đặc biệt là mẹ chồng. Lúc đó gần như đi đâu tôi cũng mang con đi theo, ngân hàng, công trường xây dựng…. Nghĩ lại thì tôi cũng không biết tại sao mình có thể làm được như vậy (cười).
Việc quản lý nhà hàng cũng khó khăn. Tôi có một quản lý nhà hàng riêng nhưng anh ấy làm việc không được tốt lắm và làm cho tôi khá là stress trong khoảng thời gian đó nên đã cho anh ấy nghỉ việc. Sau khi mở nhà hàng thứ 3 thì tôi bắt đầu xây dựng lại hệ thống quản lý và tuyển thêm đội ngũ quản lý chuyên nghiệp. Vì vậy, năm vừa rồi khi tôi vừa sinh thêm một cậu con trai nữa, vừa mở thêm 2 nhà hàng, tôi không phải lo lắng hay làm việc quá nhiều.
Chuỗi nhà hàng Phở ở Slovakia đã trải qua 2 năm Covid-19 như thế nào?
Đại dịch Covid-19 đã cho chúng tôi rất nhiều bài học. Nhân viên cũng nhận ra tất cả những cố gắng của chúng tôi. Chúng tôi không sa thải ai khi đại dịch diễn ra và cố gắng trả lương cho mọi người để họ có thể trang trải cuộc sống của mình.
Vì muốn giữ nhân viên của mình an toàn nên tôi quyết định đóng cửa nhà hàng trong một thời gian ngắn đầu tiên. Tôi luôn lo lắng cho sức khỏe nhân viên và nghĩ làm cách nào có thể trả lương cho họ trong những tháng tiếp theo. Nhưng chúng tôi có phần tiết kiệm kha khá từ những năm trước nên trong những tháng tiếp theo, chúng tôi không gặp vấn đề về tài chính.
Thời điểm đó, tôi bắt đầu mở máy tính lên và bắt đầu phân tích, ghi ra tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra. Nếu chúng tôi đóng cửa và chờ đợi thì chúng tôi sẽ mất càng ngày càng nhiều. Nhưng nếu chúng tôi mở cửa và làm gì đó thì có thể sẽ tốt hơn. Vì vậy, tôi quyết định nhà hàng phải tiếp tục hoạt động.
Hơn nữa, khi chúng tôi mở cửa thì cũng nhận ra rằng không có ai mở cửa và trung tâm thương mại cũng rất vắng nên điều này cũng khá an toàn với chúng tôi.
Chúng tôi trở thành người tiên phong trong việc xây dựng hệ thống giao hàng với hình thức nhận đơn qua Whatsapp, Viber, sau đó xây dựng website và giao tiếp với khách hàng thông qua mạng xã hội.
Thời gian đó mọi người đều cập nhật thông tin trực tuyến, nên việc thông báo tới khách hàng rằng chúng tôi vẫn mở cửa khá thuận tiện. Chúng tôi cũng thông tin tới khách hàng rằng, nếu họ không muốn nấu ăn ở nhà thì chúng tôi có thể giao hàng tận nơi.
Khách hàng không có nhiều lựa chọn khi hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa, trong một khoảng thời gian dài, chúng tôi là người duy nhất hoạt động. Kết quả, lượng khách hàng mới tăng khá cao, và có khoảng 70% trong số đó quay trở lại. Chúng tôi làm việc gần như 24/7 để xây dựng hệ thống, quy trình, và bán hàng online…
Hiện tại, chuỗi nhà hàng phở của chị đang hoạt động ra sao?
Năm 2020, thu nhập của cửa hàng giảm khoảng 10% so với hồi 2019. Nếu so với các mô hình kinh doanh khác, chúng tôi cũng không bị thiệt hại quá nhiều. Sang đến năm 2021, chúng tôi trở lại doanh thu bằng với 2019.
Mặc dù tình hình nhà hàng đang dần ổn hơn song, thời gian gần đây giá cả nguyên vật liệu lại tăng do chiến tranh và lạm phát. Cho nên năm nay là một năm khó khăn với mọi người chứ không chỉ riêng chúng tôi.
Mục tiêu của tôi bây giờ đó là kinh doanh thật tốt, mang đến món ăn chất lượng, đồng thời tôi mong muốn dịch bệnh và chiến tranh sẽ chấm dứt để cuộc sống của mọi người quay trở lại bình thường.
Cảm ơn chị!