Việc đấu thầu mua sắm công ngoài các nguyên tắc như cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế cao còn phải bổ sung một nguyên tắc quan trọng, thậm chí phải đặt lên hàng đầu, đó là “an toàn”. Đó là ý kiến đáng chú ý của một lãnh đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia tại hội thảo của VCCI công bố báo cáo về đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp (DN) vừa diễn ra. Vị lãnh đạo này cũng tự nhận mình thật may mắn khi vẫn còn đứng được tại đây và phát biểu, đồng thời cho biết thời gian qua liên tục nhận được tin nhắn của người quen hỏi về việc “có sao không!?”.
Công ty Việt Á chi "hoa hồng" 800 tỉ đồng cho nhiều người An toàn tất nhiên là điều quan trọng trong bối cảnh rất nhiều lãnh đạo, công chức ngành y tế bị bắt vì liên quan đến hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế. Có nhiều nguyên nhân nhưng một nguyên nhân khá phổ biến là chưa tuân thủ đúng, vi phạm các quy định về đấu thầu, mua sắm, còn tình trạng chi trả “hoa hồng” khi mua sắm đầu tư công khá phổ biến.
Báo cáo khảo sát 1.170 DN trong cả nước có tiến hành đấu thầu mua sắm công của VCCI vừa công bố cho thấy có khoảng 34,4% DN cho biết sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu. Tỉ lệ DN sẵn sàng trả chi phí ngoài quy định để đảm bảo trúng thầu có mối quan hệ mật thiết với độ mở của hình thức lựa chọn nhà thầu, gói thầu mà DN tham gia. Đối với hình thức lựa chọn nhà thầu có số lượng nhà thầu hạn chế như đấu thầu hạn chế hay chỉ định thầu, tỉ lệ DN tỏ ra sẵn sàng chi “hoa hồng” để có mặt trong danh sách nhà thầu cũng như để tăng khả năng trúng thầu là cao hơn.
Trong khi với hình thức đấu thầu rộng rãi, tỉ lệ DN sẵn sàng chi trả “hoa hồng” thấp hơn, do loại hình này mang tính chất cạnh tranh và không hạn chế nhà thầu tham gia. Khảo sát năm 2021 cho thấy 25,5% DN cho biết có chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu, khoảng 10,3% DN cho biết do cán bộ phụ trách đấu thầu của bên mời thầu, chủ đầu tư gợi ý.
Rất đáng lưu ý, có tới 58,9% DN cho biết việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là “luật bất thành văn” mà DN phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu. Chính vì là “luật bất thành văn”, là điều phổ biến nên khi một vài vụ việc gần đây đang được điều tra như vụ Việt Á thì chúng ta thấy việc chi trả và nhận “hoa hồng” khi mua sắm kit xét nghiệm và hóa chất, thiết bị y tế diễn ra ở rất nhiều tỉnh/ TP, ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh cực kỳ căng thẳng.
Tình trạng này chắc chắn có những vấn đề từ hệ thống pháp lý, còn nhiều kẽ hở để các bên liên quan khai thác, chưa đủ cơ chế để giám sát việc mua sắm, đấu thầu, việc tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, khiếu nại trong quá trình đấu thầu còn chưa phù hợp… Để khắc phục tình trạng này thời gian tới cần phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng nâng cao công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu mua sắm công.
Cụ thể là thông qua việc tăng cường sử dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng, kết hợp với sử dụng tối đa và tối ưu công nghệ thông tin (hệ thống mạng đấu thầu mua sắm công, đấu thầu qua mạng e-procurement) trong các hoạt động tổ chức, quản lý đấu thầu.
Đồng thời cần tăng cường giám sát đấu thầu mua sắm công thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cả các đơn vị mời thầu, các DN và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu.
Các cơ quan chức năng cần chú trọng tới chất lượng giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của DN tham gia đấu thầu thông qua thiết lập các cơ chế giải quyết kiến nghị độc lập. Có hết những điều trên có lẽ vẫn chưa đủ. Một chuyên gia về đấu thầu nói tại hội nghị của VCCI rằng trong việc đấu thầu thì ngoài quy tắc, luật lệ chặt chẽ, rõ ràng, công khai, minh bạch thì còn yếu tố cực kỳ quan trọng nữa là đạo đức của những người thực hiện. Làm sao trong toàn bộ quá trình đấu thầu mua sắm công, những cán bộ, công chức có liên quan phải luôn tự đặt ra câu hỏi liệu tôi đã đáp ứng và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức cao nhất chưa?!
Như vậy còn liên quan đến tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn và giám sát con người, đây cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng.