Thời sự

Khi một chữ ký có thể ra rất nhiều tiền, người ta sẽ phải chạy chức bằng được

Sau hàng loạt vụ việc quan chức bị xử lý vì tham nhũng, có quan điểm cho rằng, chừng nào không chặn được triệt để tình trạng chạy chức chạy quyền thì vẫn còn tham nhũng. Ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền chỉ là một trong nhiều biện pháp để chống tham nhũng, nhưng đó lại là giải pháp hàng đầu bởi cán bộ bỏ tiền ra mua chức, quyền thì phải tìm cách “hồi vốn”, tham nhũng sẽ diễn ra sau đó.

Chúng ta không “vơ đũa cả nắm” nhưng có thể thấy, nếu nhận định “chỉ một bộ phận cán bộ” làm như vậy có vẻ như chúng ta chưa nhận diện rõ câu chuyện mua quyền bán chức, ai cũng biết, nhưng chỉ biết một cách chung chung. Như vậy có vẻ rất nguy hiểm dường như người ta ngầm hiểu với nhau?

Chia sẻ về điều này, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII, người từng nêu quan điểm trên diễn đàn Quốc hội về tình trạng chạy chức chạy quyền, những câu chuyện bổ nhiệm thần tốc lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”, cho rằng câu chuyện này là rất rõ, dư luận xã hội cũng đã biết nhưng sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải rốt ráo hơn nữa mới có thể ngăn chặn.

Khi một chữ ký có thể ra rất nhiều tiền, người ta sẽ phải chạy chức bằng được - Ảnh 1.

Ông Lê Như Tiến - đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII (Ảnh: Bình Minh)


Con đường ngắn nhất để làm giàu là chạy chức chạy quyền

PV: Ông có nghĩ ngăn chặn được nạn chạy chức, chạy quyền sẽ chặn được tham nhũng?

Ông Lê Như Tiến: Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương đã từng xác nhận có những người mang cả vali tiền đến những người có chức có quyền để “chạy”, trong đó có thể có cả chạy chức, chạy quyền. Vì thế cần phải ngăn chặn tình trạng này bởi khi có chức có quyền đi liền với có lợi, đây sẽ là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để làm giàu.

Người dân đúc kết như thế không sai là bởi khi anh lên được một vị trí nhất định anh sẽ phải tìm mọi cách để thu hồi vốn, thu lại số tiền ban đầu anh đã bỏ ra để chạy chức chạy quyền. Khi người ta đã vào được vị trí rồi, một chữ ký, một quyết định của họ có thể ra được rất nhiều tiền, nên phải cố chạy chức chạy quyền bằng mọi giá, trước kia có thể là hàng trăm triệu, bây giờ là chục tỷ, trăm tỷ. Cần ngăn chặn chạy chức chạy quyền đó là nguyên nhân quan trọng trong ngăn chặn tham nhũng.

PV: Tình trạng chạy chức, chạy quyền chắc chắn là không mới nhưng vì sao không thể chặn được, thưa ông?

Ông Lê Như Tiến: Tình trạng này không mới, chúng ta đã phát hiện ra nhiều, đó là những vụ việc chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh đề bạt thần tốc các giám đốc, phó giám đốc sở; hay bộ trưởng bổ nhiệm một loạt cán bộ dưới quyền ở cấp cục, vụ, viện trước khi về hưu. Tôi đã từng nói trên diễn đàn Quốc hội câu chuyện bổ nhiệm thần tốc trước khi “hạ cánh”, thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Câu chuyện này rất rõ, dư luận xã hội cũng đã biết nhưng sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải rốt ráo hơn nữa mới có thể ngăn chặn.

Ngày xưa chúng ta chỉ nói là cá biệt nhưng bây giờ không còn là cá biệt nữa. Cứ nghe người dân và dư luận xã hội sẽ biết, lên một chức vụ nào đó có càng nhiều quyền lợi thì số tiền đầu tư ban đầu càng lớn. Vì thế người ta không từ một thủ đoạn nào, trả giá bao nhiêu, họ cũng “chạy” cho bằng được, bởi xong rồi họ sẽ có cơ hội thu hồi lại vốn đã bỏ ra. Câu chuyện có những cán bộ công chức xách va li tiền đến những vị có thẩm quyền để chạy chức chạy quyền, chạy án, là hoàn toàn có thực. Nếu không ngăn chặn ngay nó sẽ trở thành căn bệnh, hội chứng rất khó chữa.

Định lượng những biểu hiện của chạy chức, chạy quyền

PV: Cùng với nhận diện nghiêm túc tình trạng cán bộ chạy chức, mua quyền, theo ông chúng ta cần phải làm gì nữa?

Ông Lê Như Tiến: Cần phải đưa ra những tiêu chí cụ thể, tương tự như 19 điều đảng viên không được làm, tức là phải cụ thể hóa, mang tính định lượng, chứ không định tính, nói rõ thế nào là chạy chức chạy quyền. Nếu cụ thể hóa được là rất tốt, có điều kiện để ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền.

Khi một chữ ký có thể ra rất nhiều tiền, người ta sẽ phải chạy chức bằng được - Ảnh 2.

Không từ một thủ đoạn nào, bất kể giá bao nhiêu, người ta “chạy” cho bằng được bởi xong rồi họ sẽ có cơ hội thu hồi lại vốn (Ảnh: KT)


PV: Biểu hiện rõ nhất của chạy chức chạy quyền là gì, theo ông?

Ông Lê Như Tiến: Tín hiệu chạy chức chạy quyền, người có dấu hiệu chạy chức chạy quyền hay có cơ hội để lên những chức vụ, quyền hạn cao hơn, người ta thường đến nhà các lãnh đạo, thậm chí có người không thông qua người có thẩm quyền ký quyết định, mà thông qua vợ hay chồng, người thân trong gia đình để hối lộ một cách tế nhị. Người ta cũng có thể chuyển tài sản của mình cho người có chức quyền, như chuyển vào tài khoản tiền Việt hoặc ngoại tệ, chuyển bất động sản hay họ gọi là quà biếu, quà tặng để mừng sinh nhật… đó có thể coi là những dấu hiệu. Các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật đều biết, tai mắt nhân dân cũng biết cả, vấn đề là chúng ta có làm quyết liệt, tới cùng hay không. Theo tôi đó là chìa khóa để mở ra lời giải cho câu chuyện phòng chống tham nhũng, chống chạy chức chạy quyền.

PV: Giải pháp nào theo ông là tối ưu nhất để chống chạy chức chạy quyền?

Ông Lê Như Tiến: Theo tôi có 2 giải pháp. Giải pháp thứ nhất tôi đã nói trên diễn đàn Quốc hội, đó là phải kiểm soát quyền lực, nghĩa là dùng quyền lực này để kiểm soát quyền lực khác, chúng ta có rất nhiều cơ quan kiểm soát quyền lực như cơ quan bảo vệ pháp luật (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án), cơ quan tư pháp xem xét các vấn đề về tư pháp, cơ quan giám sát của Quốc hội, HĐND là cơ quan dân cử, cơ quan thanh tra của Chính phủ, các tỉnh thành, bộ ngành, có cơ quan kiểm tra của Đảng từ trung ương xuống địa phương đến đảng bộ cơ sở, thế mà chúng ta vẫn để “con voi chui lọt lỗ kim”, vì sao như thế, chúng ta không thể không đặt câu hỏi, vậy các cơ quan chức năng này đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình chưa, đã làm quyết liệt để bảo vệ pháp luật, bảo vệ lẽ phải hay chưa?

Giải pháp thứ hai là trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, không để cho người đứng đầu là phao cứu sinh, là điểm đến của những người muốn thăng quan tiến chức, chạy chức chạy quyền. Câu chuyện kiểm soát quyền lực là quan trọng nhất bởi nếu không, người có quyền sẽ lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền, muốn làm gì thì làm. Vừa rồi chúng ta thấy, một số bí thư tỉnh ủy, người đứng đầu cao nhất của một tỉnh, khi họ lạm quyền, lộng quyền họ có thể ra những quyết định bất chấp pháp luật, lương tâm, làm hại đất nước, những người như thế cần phải nghiêm trị. 

Khi đã phát hiện có tình trạng chạy chức chạy quyền thì phải có giải pháp mạnh, thu hồi quyết định bổ nhiệm, đề bạt mà phải quy trách nhiệm cá nhân những người tiếp nhận việc chạy chức chạy quyền, gắn với hành vi hối lộ và nhận hối lộ. Thực tế đã có rồi, như vụ việc ưu ái nâng đỡ không trong sáng cho một hotgirl ở Thanh Hóa, Phó Chủ tịch tỉnh này đã bị nhận án kỷ luật: cách chức Phó Chủ tịch tỉnh và cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

PV: Xin cảm ơn ông.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm