Chính phủ mới đây ban hành Nghị định 181/2025 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực từ ngày 1/7. Đáng chú ý là quy định về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào đối với cơ sở kinh doanh.
Theo đó, cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 5 triệu đồng trở lên (đã bao gồm thuế VAT). Theo quy định cũ mức được khấu trừ là từ 20 triệu đồng.
Điều này đồng nghĩa với hóa đơn dưới 5 triệu đồng thì chuyển khoản hay dùng tiền mặt đều được khấu trừ thuế VAT đầu vào, còn trên mức này thì bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đó, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là chứng từ chứng minh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định, trừ các chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán.

Hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh: Tiến Tuấn).
Nghị định cũng bổ sung thêm một số trường hợp đặc thù được coi là thanh toán không dùng tiền mặt ngoài các trường hợp quy định tại Nghị định số 52/2024, như bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, cấn trừ qua quan hệ vay, mượn tiền có chứng từ chuyển khoản, thanh toán thông qua bên thứ 3 theo chỉ định hoặc ủy quyền hợp pháp...
Cụ thể, trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bằng cổ phiếu, trái phiếu mà cách thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng và yêu cầu phải có hợp đồng mua bán dưới hình thức văn bản được lập trước đó.
Sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa 2 bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng.
Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ 3 phải có biên bản bù trừ công nợ của ba bên làm căn cứ khấu trừ thuế.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán ủy quyền qua bên thứ 3 thanh toán không dùng tiền mặt (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán không dùng tiền mặt cho bên thứ 3 do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo ủy quyền hoặc thanh toán cho bên thứ 3 theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng.
Trong đó, bên thứ 3 là tổ chức hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán không dùng tiền mặt vào tài khoản của bên thứ 3 mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ (theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào xác định tương ứng với số tiền chuyển vào tài khoản của bên thứ 3 mở tại Kho bạc Nhà nước.