Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng cần có quy trình tiêu chuẩn cho việc xuất hóa đơn từng lần đổ xăng, đồng thời cho phép doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn kèm mã số khách hàng có kết nối với ngành thuế, do nhiều người dân không có nhu cầu lấy hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Hóa đơn xăng dầu bị nghẽn mạng, trục trặc liên tục
Ông Nguyễn Văn Tiu - giám đốc Công ty xăng dầu Tự Lực I - cho hay đã đưa hệ thống HĐĐT vào toàn bộ các cửa hàng xăng dầu, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, song việc vận hành vẫn còn gặp trục trặc.
Các hóa đơn khi được phát hành có hiện tượng bị nghẽn mạng do đường truyền quá tải, dẫn tới các hóa đơn xuất cho khách hàng bị mất thời gian. Có những trường hợp phải mất vài ba tiếng mới xuất được hóa đơn, hoặc thậm chí không thể "đẩy" được hóa đơn do đường truyền khá chậm và nghẽn.
Một thương nhân kinh doanh xăng dầu tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết cũng gặp tình trạng tương tự khi hệ thống xuất hóa đơn bị trục trặc liên tục. Lý do là các trụ bơm xăng của các cửa hàng không đồng nhất, đơn vị cung cấp dịch vụ phải mất thời gian để viết phần mềm xuất HĐĐT tương thích với từng trụ bơm.
Dù đã vận hành được hơn một tuần nay nhưng quá trình xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng cho khách hàng và chuyển dữ liệu vào hệ thống của cơ quan thuế đều gặp lỗi hoặc trục trặc.
Theo vị này, dù đã lắp đặt hệ thống HĐĐT sau từng lần bán hàng, nhưng để vận hành được hiệu quả, trơn tru theo yêu cầu của cơ quan thuế, đảm bảo mỗi lần bán hàng là hóa đơn được xuất ra, nhưng vẫn còn trục trặc.
"Vì vậy, tôi cũng lo ngại nếu cơ quan chức năng đi kiểm ra có thể xử phạt hoặc thậm chí là tước giấy phép như yêu cầu của Bộ Công Thương, nếu không đảm bảo việc xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng về cho cơ quan thuế" - vị này bày tỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, cửa hàng trưởng một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn cho biết doanh nghiệp đã lắp đặt và vận hành hệ thống HĐĐT theo từng lần bán.
Bên cạnh các khách hàng là doanh nghiệp hay tài xế dịch vụ vận tải, đã có một số khách hàng đi xe máy đổ vài chục ngàn tiền xăng cũng đã lấy HĐĐT.
"Mấy hôm nay có những người quét rác, lao công của một bệnh viện tư ở TP.HCM cũng đã lấy hóa đơn rồi, người đổ 50.000 đồng tiền xăng họ cũng vào lấy HĐĐT", vị này nói.
Lo "vỡ trận" vào giờ cao điểm
Theo nhiều doanh nghiệp, do số lượng người lấy hóa đơn tăng lên, doanh nghiệp phải in hóa đơn cho người mua, mất thêm thời gian nhập thông tin và nhân lực để xuất hóa đơn.
Trong khi đó, hệ thống hạ tầng công nghệ vẫn chưa vận hành trơn tru, có những thời điểm chạy nhanh, có lúc chạy chậm, thậm chí có lúc cảm giác đang quá tải.
"Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi lo lắng chính là nguy cơ "vỡ trận" lúc cao điểm trong trường hợp nhiều người cùng có nhu cầu xuất hóa đơn, cửa hàng sẽ không đủ nhân lực để nhập hóa đơn cho khách", vị này cho biết.
Lãnh đạo một doanh nghiệp tại ĐBSCL, một thương nhân đầu mối có hệ thống cửa hàng xăng dầu lên tới 150 điểm bán tại nhiều tỉnh thành miền Tây, cũng cho biết gặp không ít vướng mắc khi triển khai hệ thống này.
Theo vị này, dù doanh nghiệp đã đầu tư cả trăm triệu đồng cho các cửa hàng để lắp đặt hệ thống HĐĐT, thậm chí thuê cả nhân viên kế toán để làm riêng nhiệm vụ cập nhật dữ liệu, xuất hóa đơn song vẫn gặp không ít khó khăn.
Bởi theo thông tư quy định về triển khai HĐĐT, mọi khách hàng mua xăng dầu đều phải được xuất hóa đơn, đáp ứng yêu cầu xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Tuy nhiên, hệ thống phần mềm HĐĐT được doanh nghiệp này thuê từ một đơn vị cung cấp giải pháp dịch vụ xuất HĐĐT vẫn chưa tối ưu, chưa thể tự động xuất hóa đơn sau từng lần bán hàng.
Trong khi đó, phần lớn người mua xăng dầu là khách vãng lai, mua lẻ và không có nhu cầu lấy hóa đơn, vẫn cần có thêm nhân lực để cập nhật dữ liệu vào hệ thống hóa đơn, gây mất thêm thời gian nếu áp dụng cho từng lần bán hàng.
"Tôi đã thuê thêm nhân viên kế toán để thực hiện công việc này, nhưng do hệ thống phần mềm chưa tối ưu, khách mua lẻ nhiều chiếm tới 80-90% lượng xăng dầu bán ra, một ngày không thể kịp cập nhật hết các thông tin của người mua hàng vào hệ thống hóa đơn", vị này cho biết.
Chưa hết, phần mềm thực hiện HĐĐT sau từng lần bán hàng vẫn chưa được các cơ quan chức năng quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và phòng cháy chữa cháy chấp thuận nên doanh nghiệp gặp khó trong vận hành.
"Hệ thống xuất hóa đơn vẫn gặp trục trặc, chưa đảm bảo yêu cầu xuất hóa đơn sau từng lần bán hàng. Việc chưa có thống nhất trong triển khai và vận hành khiến chúng tôi chưa biết xử lý thế nào, chỉ lo các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra rút phép" - vị này bộc bạch.
Xử nghiêm các trường hợp vi phạm
Theo Bộ Tài chính, đến ngày 31-3 đã có 15.925/15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu lắp đặt hệ thống HĐĐT từng lần bán hàng.
Như vậy chỉ còn 10 cửa hàng chưa lắp đặt hệ thống này, chủ yếu ở vùng sâu vùng xa, do điều kiện kinh doanh và hạ tầng chưa đạt chuẩn.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành công điện yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, sở công thương địa phương được đề nghị chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc quy định về HĐĐT, cung cấp dữ liệu HĐĐT theo quy định.
Các đơn vị tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định, kể cả việc yêu cầu tạm dừng kinh doanh, thu hồi giấy phép.
Tuy nhiên, theo ghi nhận vào ngày 1-4, nhiều người dân cho biết không có nhu cầu lấy HĐĐT sau khi đổ xăng vì không biết để làm gì, trong khi lại tốn nhiều thời gian chờ đợi, nhất là vào giờ cao điểm.
Tại nhiều cây xăng, các khách hàng chạy xe máy vào đổ xăng rồi tất tả chạy đi, chưa quan tâm đến việc lấy HĐĐT.
Chị Hương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết thường đổ xăng trên đường Thụy Khuê nhưng chưa bao giờ quan tâm đến việc lấy hóa đơn.
"Mỗi lần đổ xăng cho xe hết khoảng 100.000 đồng, lại chủ yếu vào giờ tan tầm, rất đông khách đổ xăng, nên tôi đều nhanh chóng rời đi để tránh tắc nghẽn", chị Hương nói.
Cần có quy trình tiêu chuẩn về việc xuất hóa đơn
Ông Nguyễn Xuân Thắng - giám đốc Công ty xăng dầu Hải Âu Phát - cho hay các giải pháp xuất HĐĐT đều đang vận hành, thao tác bằng tay dẫn đến mất thời gian cho doanh nghiệp khi phải tự nhập thông tin cho từng khách hàng.
Vì vậy, ông Thắng đề nghị cần có quy trình tiêu chuẩn về xuất hóa đơn trong xăng dầu cũng như để doanh nghiệp lựa chọn các công nghệ phù hợp. Ngoài giải pháp xuất hóa đơn bán lẻ từng lần cho mỗi người mua xăng dầu, doanh nghiệp có thể xuất hóa đơn kèm mã số khách hàng, hóa đơn này kết nối với ngành thuế.
Khi có nhu cầu xuất HĐĐT, khách hàng chỉ cần vào website của ngành thuế, nhập mã mua hàng và cung cấp các thông tin của người mua (mã số thuế, địa chỉ, điện thoại, số tài khoản...) để tải HĐĐT. "Như vậy, doanh nghiệp sẽ không mất thời gian, nhân sự để lấy thông tin và xuất hóa đơn cho khách hàng trong khi không phải ai cũng có nhu cầu lấy hóa đơn", ông Thắng nói.
Theo khuyến nghị của các doanh nghiệp, ngành thuế cũng cần làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ HĐĐT sau từng lần bán hàng, các cơ quan chức năng về tiêu chuẩn đo lường, phòng cháy chữa cháy và các bộ ngành liên quan để thống nhất việc triển khai thực hiện.
Bởi hạng mục này doanh nghiệp đã đầu tư một số tiền không nhỏ, nhưng quá trình vận hành gặp trục trặc và khó khăn, vướng mắc phát sinh rất nhiều, trong khi các hướng dẫn chưa rõ ràng, thống nhất nên chưa đảm bảo được yêu cầu kết nối dữ liệu, xuất hóa đơn sau từng lần bán hàng cho từng khách hàng và cho cơ quan thuế.
Một doanh nghiệp tại Hà Nội cũng bày tỏ mặc dù doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống HĐĐT, nhưng quá trình vận hành vẫn gặp trục trặc, nên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần có lộ trình và thời gian để các đơn vị hoàn thiện hơn các phần mềm hóa đơn. "Việc này để tránh trường hợp các đơn vị thanh tra, kiểm tra cứ "áp theo quy định" yêu cầu phải thực hiện xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng, xử phạt hoặc thậm chí rút giấy phép của doanh nghiệp khi hệ thống vận hành chưa được trơn tru do những yếu tố khách quan về kỹ thuật", vị này nói.