Cơ cấu nhà đầu tư cá nhân dự kiến sẽ giảm
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường TPDN sơ cấp trong 7 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 46,14% nhà đầu tư là các tổ chức tín dụng, 22,43% là các công ty chứng khoán, trong khi đó nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ chiếm 10,11% tổng giá trị mua.
Dù vậy, dữ liệu của thị trường thứ cấp lại cho thấy số lượng TPDN được nắm giữ bởi các cá nhân lên tới 32,6%, chủ yếu nhờ vào các giao dịch mua trung gian với công ty chứng khoán. Có thể thấy, thị trường đang tồn tại hiện tượng môi giới chứng khoán mời gọi nhà đầu tư cá nhân không chuyên đầu tư vào các lô TPDN như một dạng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao.
Để kiểm soát rủi ro trước tình trạng trên, Nghị định cũng đã sửa đổi Điều 8 về kiểm định tư cách nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch phải đạt giá trị bình quân tối thiểu 2 tỷ VNĐ trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề, không bao gồm giá trị vay ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Kết quả xác nhận nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sẽ có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày xác định.
Có thể nói, việc tính giá trị bình quân là nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, giúp họ vẫn linh hoạt được dòng vốn và danh mục đầu tư khi tham gia thị trường này.
Báo cáo đánh giá của FiinGroup mới đây cho rằng Nghị định 65 chưa thể xử lý triệt để lỗ hổng pháp lý về vấn đề này. Tuy nhiên, điều khoản nghiêm ngặt chắc chắn sẽ khiến các hình thức "lách luật" trở nên đắt đỏ hơn đáng kể.
Bên cạnh đó, quy định tại Điều 6 nâng mệnh giá trái phiếu doanh nghiệp từ 100 nghìn VNĐ lên 100 triệu VNĐ cũng sẽ khiến cơ cấu nhà đầu tư cá nhân trong thời gian tới giảm đi nhiều so với thực tế hiện nay. Quy định mới về nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được kỳ vọng giúp giảm thiểu khả năng gian lận thông qua tài khoản vay ký quỹ, hợp đồng ủy thác/góp vốn đầu tư, v.v...
Tuy nhiên, song song với các quy định kiểm soát trên, nhà đầu tư cá nhân cũng được bảo vệ quyền lợi từ nghĩa vụ công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành. Ngoài ra, Nghị định 65 càng củng cố hàng rào bảo vệ đối tượng này bằng việc bổ sung các quy định về quyền biểu quyết cho họ.
Đội ngũ phân tích của FiinGroup đánh giá nhận định dù điều kiện xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp trở nên nghiêm ngặt hơn trước, nhưng bù lại nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được bảo vệ nhiều hơn khi có cơ chế báo cáo và trách nhiệm cam kết cao hơn, với quyền biểu quyết các vấn đề liên quan đến TPDN do họ sở hữu.
Nhà đầu tư cá nhân chưa chuyên nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng ra sao?
Các nhà đầu tư không chuyên buộc phải mua trái phiếu phát hành ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán, hoặc chuyển sang mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư.
Do đó, đối tượng mua TPDN được quy định chặt chẽ hơn sẽ khiến phát hành riêng lẻ sẽ có sự thay đổi, chủ yếu giảm về quy mô nhưng hướng đến việc đa dạng hóa chủ thể tham gia thị trường TPDN, bao gồm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, các định chế tài chính như doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí tự nguyện, v.v...
Các định chế đầu tư trung gian này sẽ thay mặt nhà đầu tư cá nhân không chuyên đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả, chuyên nghiệp giúp điều tiết dòng vốn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc khuyến khích các định chế tài chính phi ngân hàng này tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp cũng là hình thức điều chỉnh thị trường phát triển theo hướng dài hạn khi các chiến lược của các quỹ này chủ yếu tập trung vào danh mục đầu tư có tính chất dài hạn, từ đó hạn chế được các rủi ro biến động thị trường ngắn hạn.
Đối với nhà đầu tư không chuyên đang nắm giữ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp giao dịch trong khoảng thời gian Nghị định số 153/2020/NĐ-CP còn hiệu lực, Nghị định 65 cũng bổ sung nội dung về các điều khoản chuyển tiếp nhằm đảm bảo quyền lợi của đối tượng này.
Trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành trước khi Nghị định 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành sẽ tiếp tục lưu ký, giao dịch theo phương án phát hành trái phiếu đã được phê duyệt, chấp thuận; dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì thực hiện đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch theo quy đinh của Nghị định này, song đối tượng giao dịch được giới hạn giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp.