Theo Khoản 3 Điều 38 của Luật Cư trú 2020, các mốc thời gian quan trọng đối với việc cấp và sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được quy định như sau:
- Từ ngày 1/7/2021: Thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong các trường hợp có thay đổi thông tin; Không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng; Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
- Từ ngày 1/1/2023: Toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng.
Như vậy, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng.
Không còn sổ hộ khẩu, xác nhận thông tin về cư trú thế nào?
Ngoài ra, Nghị định 37/2021/NĐ-CP cho phép công dân được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư bằng: Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin; hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, Cổng dịch vụ Công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Theo quy định nêu trên, người dân có thể tra cứu thông tin về hộ khẩu, thực hiện nhập, xóa, chuyển hộ khẩu, đăng ký tạm trú… trên hệ thống của Cơ sở dữ liệu về cư trú mà không cần sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Vậy có thể tra cứu thông tin về cư trú thông qua số định danh và căn cước công dân gắn chip?
Đồng thời, Điều 12 Luật Căn cước công dân 2014 cũng quy định số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Hiện nay, số định danh cá nhân cũng chính là số thẻ căn cước công dân, căn cước công dân gắn chip được cấp cho mỗi công dân.
Do vậy, khi thực hiện các thủ tục hành chính cần đến thông tin về sổ hộ khẩu, người dân có thể xuất trình thẻ căn cước công dân để lấy thông tin về cư trú và những thông tin khác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.