Kể từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng hơn 40%, với tổng cộng 17 lần điều chỉnh, giá xăng đã tăng tổng cộng gần 10.000 đồng/lít và giá dầu tăng khoảng 12.000 đồng/lít.
Kỳ vọng ngành vận tải sẽ khôi phục mạnh mẽ trở lại sau đại dịch COVID-19, thế nhưng việc giá xăng dầu tăng phi mã kể từ đầu năm đến nay như một "cơn bão" thứ hai kéo gục các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chạy xe thì lỗ mà "đắp chiếu" thì mất lao động
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, giá xăng dầu tăng quá cao làm các doanh nghiệp vận tải đứng trước bài toán khó, chạy xe thì lỗ mà không chạy thì người lao động không có việc làm.
Trước khi chi phí xăng dầu chiếm từ 35-40% tổng chi phí vận tải thì nay đã chiếm tới 50-60%. Chi phí tăng cao cùng với việc người dân thắt chặt chi tiêu khiến nhiều doanh nghiệp vận tải không dám tăng giá quá cao vì lo không có khách. Nhiều doanh nghiệp hiện phải chạy lỗ, hoạt động cầm chừng để giữ chân khách.
"Những đơn vị mua xe trả góp hoặc không chịu được lỗ thì cho xe đắp chiếu, giải thể. Hiện đã có hàng trăm doanh nghiệp vận tải giải thế, hàng nghìn xe đắp chiếu, thanh lý thậm chí trả lại xe cho ngân hàng và người thiệt hại nhất vẫn là các chủ xe, chủ doanh nghiệp", ông Liên nói.
Ông Liên cho biết, tình trạng xe "nàm không" rất phổ biến. Những doanh nghiệp từng hoạt động tới 70-80 đầu xe thì nay chỉ còn 3-4 xe, hoạt động cầm chừng để tạo công ăn việc làm cũng như giữ chân lao động.
Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao trong thời gian tới thì sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động. Thậm chí có nguy cơ sụp đổ cả ngành vận tải do các doanh nghiệp này vừa trải qua hơn hai năm khó khăn bởi COVID-19.
Chẳng doanh nghiệp nào có thể hứng chịu nhiều "cơn bão" như vậy, chi phí xăng dầu ăn mòn hết lợi nhuận, doanh nghiệp vận tải giờ như "bệnh nhân" cần thở oxy, ông Liên cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang ở mức cao so với các nước và đặc biệt là so với thu nhập của người dân. Vì vậy, các giải pháp hữu hiệu là cần giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu.
Giảm thuế xăng dầu mới là biện pháp "sát sườn" với doanh nghiệp
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường mới xăng dầu. Đây là động thái rất đáng hoan nghênh của cơ quan quản lý nhưng đồng thời vẫn cần cân nhắc tiếp tục giảm các loại thuế khác cũng như có cần có khoản hỗ trợ cho người dân.
Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cần có thêm các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vận tải bởi chỉ giảm phí sử dụng đường bộ chỉ như "muối bỏ bể" vì chi phí không nhiều và không phải xe nào cũng sử dụng. "Với các xe vận tải đi trong nội đô, việc giảm phí cầu đường thực chất không hỗ trợ gì được cho họ mà chỉ có giá xăng mới 'sát sườn'", đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.
Ông Liên cho rằng bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ và các bộ cần mạnh dạn đề xuất giảm các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. "Đây là vấn đề nóng, thực sự cần thiết. Nên chăng có giải pháp sớm để quyết định chính sách này, giúp giảm bớt ảnh hưởng của giá xăng tới người dân, doanh nghiệp", ông Liên đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát (đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt) cũng cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải, trong đó việc giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu là giải pháp hữu hiệu.
Xăng dầu cũng là mặt hàng thiết yếu chứ không phải mặt hàng xa xỉ. Từ đó, “đánh” thuế tiêu thụ đặc biệt vào mặt hàng này là chưa hợp lý. Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ đánh vào những mặt hàng xa xỉ như rượu bia, thuốc lá hay ô tô hạng sang, trong khi xăng dầu là mặt hàng dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng, ông Bằng đặt vấn đề.
Đồng thời, Giám đốc hãng xe Sao Việt cũng phân tích, nếu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, doanh nghiệp xăng dầu vẫn có lợi nhuận.
Với mặt hàng dầu, trước đây giá từ 40 - 50 USD/thùng (tương đương với mức 12.000 - 13.000 đồng/lít dầu), nếu thu thuế VAT 10% thì được khoảng 1.200 đồng/lít. Nhưng, hiện tại, giá dầu thế giới ở mức 167 USD/thùng (khoảng 25.000 đồng/lít), nếu thu thuế 10% là 2.500 đồng, cộng với 3 mức thuế trên sẽ vào khoảng hơn 7.000 đồng/lít, đây là con số lợi nhuận khá lớn.
Ngoài ra, ông Bùi Danh Liên cũng nêu một số khó khăn đối với ngành vận tải như việc áp dụng hóa đơn, kê khai thuế. Từ 1/7 sẽ hủy hóa đơn viết tay của các doanh nghiệp. Hiện các bến xe có xe vào nhưng không có vé bán vì không đúng quy định về hóa đơn của Bộ Tài chính, ông Liên nêu vấn đề.