Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) lại tiếp tục có diễn biến mới về các vấn đề liên quan đến nhân sự.
Cụ thể, theo đưa tin từ Thesaigontimes, ngày 21/6/2023, hội đồng quản trị (HĐQT) của Eximbank đã triệu tập cuộc họp bất thường của HĐQT nhằm bãi miễn Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc hiện hành của Eximbank, bầu chủ tịch mới, bổ nhiệm quyền tổng giám đốc mới.
Tuy vậy, cuộc họp bất thường đã không thể tiến hành do vắng mặt 2 trong số 5 thành viên HĐQT, trong khi theo luật định, cuộc họp chỉ diễn ra khi có ít nhất 65% số thành viên tham dự.
Ngay sau đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản về vấn đề quản trị, điều hành của Eximbank trong đó nêu rõ: “Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị Eximbank nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo qui định của Luật Các tổ chức tín dụng, pháp luật có liên quan và Điều lệ Eximbank một cách trung thực, cẩn trọng, vì lợi ích cao nhất của ngân hàng và cổ đông".
Thông tin về việc HĐQT Eximbank họp với mục đích bãi nhiệm các vị trí quan trọng như trên không được ngân hàng công bố trên các cổng thông tin đại chúng để cho nhà đầu tư được biết.
Theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng và thông lệ hiện nay, việc bầu thành viên HĐQT và chức danh Tổng Giám đốc có quy trình rất chặt chẽ.
Sau khi hoàn tất danh sách ứng cử viên, ngân hàng thương mại phải gửi cho NHNN để duyệt, sau đó ngân hàng thương mại mới họp đại hội đồng cổ đông để tổ chức bầu cử. Còn với việc bổ nhiệm Tổng giám đốc, mặc dù không phải xin ý kiến cổ đông nhưng danh sách dự kiến bổ nhiệm cũng phải được NHNN thông qua.
Bên cạnh đó, với một doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, ngân hàng phải thực hiện công bố thông tin trong vòng 24 giờ với những sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động của công ty như các vấn đề liên quan đến việc thay đổi Chủ tịch, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc,... để các nhà đầu tư và cổ đông nắm được.
Eximbank là ngân hàng có biến động nhân sự không ngừng ở tầng lớp thượng tầng trong suốt nhiều năm qua. Nhiều kỳ đại hội đồng cổ đông của ngân hàng đã không thể thực hiện do không có được sự đồng thuận của các nhóm cổ đông.
Mãi tới đầu năm 2023, ngân hàng mới hoàn thiện được cơ bản cơ cấu HĐQT tại đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2. Và tới tháng 4, ngân hàng cũng đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên với việc thông qua tất cả tờ trình được đề ra.
Trong năm 2023 với lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng (tăng 35% so với kết quả đạt được trong năm 2022); dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trên 16.000 tỷ đồng, tăng trưởng 12,3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng (nhóm 3-nhóm 5) tối đa 1,6%; tổng tài sản chạm mốc 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5%.