Kỹ năng sống

Hậu quả kéo dài của dậy thì sớm

Phát triển khi 8 tuổi

“Tôi muốn gọi cuốn sách là Bình thường mới, nhưng mọi người xung quanh tôi đều nói không, bạn không thể!” - Louise Greenspan - một nhà nội tiết nhi khoa và đồng tác giả của cuốn sách có tên “Tuổi dậy thì mới: Cách định hướng phát triển sớm ở các bé gái ngày nay” chia sẻ.

Greenspan cũng là đồng tác giả của một nghiên cứu theo dõi khoảng 1.200 trẻ em gái từ 6 - 8 tuổi trong 7 năm, từ 2004 – 2011, quan sát thời điểm dậy thì của những trẻ này. Tuổi dậy thì ở các bé gái thường được xác định bằng thời gian kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện.

Tuy nhiên, dấu hiệu đầu tiên thực ra là sự phát triển của ngực. Thực tế, kỳ kinh nguyệt đầu tiên dễ được xác định hơn, vì mọi người thường nhớ về hiện tượng này. Đối với sự phát triển của ngực, bác sĩ sẽ cần khám trực tiếp.

Kết quả thật đáng kinh ngạc. Bà Greenspan nói: “Khi nghiên cứu, tôi phát hiện rằng, 8 là độ tuổi sớm nhất mà một bé gái bình thường, khỏe mạnh sẽ bắt đầu phát triển ngực.

Độ tuổi trung bình của hiện tượng phát triển ngực trong nghiên cứu thay đổi theo chủng tộc. Trung bình thấp nhất là 8,8 tuổi đối với trẻ em gái da đen và cao nhất là 9,7 tuổi đối với trẻ em gái châu Á. Vì đây là độ tuổi trung bình, điều đó có nghĩa là một nửa số trẻ em gái thậm chí còn phát triển sớm hơn thế”.

Các yếu tố nguy cơ lớn nhất liên quan đến dậy thì sớm là béo phì, căng thẳng. Tuy nhiên, bà Greenspan cho rằng, cần thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ vấn đề này. “Các câu hỏi mà tôi nhận được là: Liệu nguyên nhân dậy thì sớm có phải do hormone trong sữa không? Có phải là do hóa chất trong kem chống nắng không? Thực tế, nguyên nhân lớn nhất là do béo phì”, bà Greenspan nhận định.

Ngoài việc rút ngắn tuổi thơ của một bé gái, dậy thì sớm có liên quan đến những hậu quả nghiêm trọng. Những hậu quả đó thậm chí có thể đi theo trẻ em gái trong suốt cuộc đời.

Cụ thể, dậy thì sớm có liên quan đến nguy cơ cao hơn mắc bệnh ung thư vú, mang thai ở tuổi vị thành niên, HPV, bệnh tim, tiểu đường… Bên cạnh đó, dậy thì sớm cũng là yếu tố khiến trẻ có khả năng đối mặt với những rủi ro về tâm lý. Trẻ em gái phát triển sớm có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn.

Trẻ cũng có khả năng cao uống rượu, hút thuốc lá và cần sa, cũng như xu hướng quan hệ tình dục sớm hơn. “Không rõ chính xác lý do tại sao lại như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng, việc dậy thì sớm và nổi bật so với các bạn cùng lứa có thể gây căng thẳng đối với một số đứa trẻ”, bà Greenspan nói.

Một yếu tố tiêu cực khác có thể xảy ra là cơ thể phát triển sớm của trẻ đôi khi bị phân biệt. Trong khi đó, điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý về hình ảnh cơ thể của trẻ. Đồng thời, khiến trẻ phải có những hành vi mà bản thân chưa sẵn sàng.

Hậu quả kéo dài của dậy thì sớm - Ảnh 1.

Cha mẹ nên giải thích với trẻ nếu con dậy thì sớm.

Ảnh hưởng theo suốt cuộc đời

Các phụ huynh có thể chăm sóc và hỗ trợ con mình một cách tốt nhất, nhờ đưa ra những lời giải thích đơn giản và trung thực về hiện tượng đang xảy ra với cơ thể trẻ. Các chuyên gia gợi ý, cha mẹ có thể cung cấp hướng dẫn theo cách sau:

- Mô tả các loại thay đổi đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra trong quá trình dậy thì sớm.

- Giải thích rằng, những thay đổi mà con đang trải qua là bình thường đối với trẻ lớn hơn và thanh, thiếu niên.

- Thông báo cho trẻ về kế hoạch điều trị nếu có.

Trong khi đó, bà Tyra Tennyson Francis - một bác sĩ y học gia đình tại Mỹ - chia sẻ, trẻ em dậy thì sớm có tỷ lệ trầm cảm và lo lắng cao hơn so với các bạn cùng lứa. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ em gái.

Trong khi đó, các biểu hiện ở trẻ em trai ít rõ ràng hơn. Điều đáng lo nhất là, nguy cơ trầm cảm và lo lắng tăng cao có thể kéo dài suốt những năm đại học. Ngoài ra, trẻ dậy thì sớm có nguy cơ rơi vào cảm giác tự ti về hình ảnh cơ thể.

“Những bé gái dậy thì sớm cũng có xu hướng tự ti và kém sắc hơn so với những bạn khác. Các bé trai phát triển sớm dường như tránh được những tác động tiêu cực này”, bà Francis nhận định.

Chuyên gia này cho biết, trẻ em gái và trai dậy thì sớm cũng có nhiều nguy cơ lạm dụng chất kích thích hơn. Đặc biệt, hút thuốc dường như phổ biến hơn nhiều ở trẻ em dậy thì sớm. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nguy cơ lạm dụng chất kích thích kéo dài ở trẻ dậy thì sớm đến khoảng năm 20 tuổi.

“Dậy thì sớm cũng có thể khiến trẻ có nguy cơ quan hệ tình dục sớm hơn so với các bạn cùng lứa. Quan hệ tình dục sớm có liên quan đến việc tăng nguy cơ mang thai.

Mang thai ở tuổi vị thành niên đi kèm với những mối lo ngại riêng, bao gồm: Tỷ lệ bỏ học cao hơn, khả năng thu nhập cả đời thấp hơn và tăng nguy cơ sinh thêm con khi còn ở tuổi vị thành niên”, bà Francis cảnh báo.

Cuối cùng, một số nghiên cứu phát hiện, các bé gái dậy thì sớm có xu hướng học kém hơn so với bạn cùng lứa. Thành tích học tập giảm sút của trẻ có thể kéo dài qua các năm trung học và thậm chí là xa hơn.

Những phát hiện liên quan đến kết quả học tập dường như xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em gái. Trong khi đó, trẻ em trai vẫn có kết quả học tập tốt, dù bước vào tuổi dậy thì.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm