Kỹ năng sống

Harvard có thể nhận học sinh từng đi rửa bát chứ không phải người chỉ học giỏi: Muốn du học trường top đầu thì đâu mới là điều quan trọng?

Trong thời đại ngày nay, du học đã không còn là ước mơ quá xa vời với học sinh và phụ huynh Việt. Tuy nhiên, việc đỗ được vào các ngôi trường dẫn đầu thế giới thì rõ ràng không dành cho số đông. Tỉ lệ cạnh tranh cao và yêu cầu đầu vào khắt khe đã khiến các ngôi trường như Harvard, Stanford, Yale,... trở thành ước mơ quá xa vời nhưng cũng là niềm tự hào vô cùng lớn cho những ai có thể chinh phục thành công.

Tỉ lệ du học sinh Việt tại các trường top 1% là bao nhiêu?

Hằng năm mỗi khi đến mùa tuyển sinh, trên báo chí và phương tiện truyền thông vẫn đưa tin về những học sinh Việt xuất sắc đỗ vào trường đại học top đầu thế giới. Các học sinh này chủ yếu đến từ các ngôi trường THPT chuyên dẫn đầu cả nước như Trường THPT Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội), THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh) hay các trường cấp 3 chuyên trực thuộc trường đại học. Một số trường hợp hiếm hơn thì là học sinh của trường quốc tế. Không chỉ thành công vượt qua được tỉ lệ chọi siêu “khủng”, một số bạn còn giành được cả học bổng.

Dù chưa bao giờ có thống kê cụ thể nhưng tỉ lệ người Việt tại những ngôi trường nổi danh nhất thế giới như trường thuộc khối Ivy League của Mỹ và G5 của Anh không phải quá mức hiếm hoi. Đặc biệt, nhiều ngôi trường ưu tiên xây dựng môi trường đa văn hoá nên đôi khi, “hộ chiếu” của học sinh châu Á hay các nước đang phát triển thậm chí còn là một điểm được xem xét. Nhìn chung, vị trí dành cho du học sinh quốc tế của các trường đình đám vẫn luôn rộng mở và bất kỳ ai cũng có cơ hội.

Harvard có thể nhận học sinh từng đi rửa bát chứ không phải người chỉ học giỏi: Muốn du học trường top đầu thì đâu mới là điều quan trọng?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục quốc tế IIE, trong năm học 2022 - 2023, có tổng cộng 21.900 sinh viên Việt Nam đến Mỹ để du học, tăng 5,7% so với năm học trước.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2018, cựu Hiệu trưởng trường Harvard - Giáo sư Drew Gilpin Faust từng chia sẻ vào thời điểm đó có 16 sinh viên người Việt Nam đang theo học tại ngôi trường danh giá nhất hành tinh. Lưu ý là con số này không bao gồm các sinh viên gốc Việt mà là các bạn trẻ học tập tại môi trường giáo dục Việt Nam và đỗ vào Harvard.

Nếu như trước đây, khái niệm trường top đối với phụ huynh và học sinh Việt thường “loanh quanh” ở các ngôi trường Ivy của Mỹ thì ngày nay, danh sách đó đã được mở rộng ra rất nhiều. Các trường ở Anh, nhất là trường thuộc hệ thống G5 như Cambridge, Oxford, UCL,... cũng danh giá và chất lượng không kém, thậm chí còn xếp cao hơn ở bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất thế giới của QS Rankings hay THE.

Chưa hết, trong các năm gần đây, du học trường ở châu Á cũng đang là xu hướng được các bạn Gen Z quan tâm. Trường Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh - 2 trường tốt nhất Trung Quốc là 2 ví dụ tiêu biểu. Trường Đại học Quốc gia Singapore, Trường Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cũng là những cái tên được săn đón. Danh tiếng của những ngôi trường này cũng đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp sau này tương lai được “trải thảm đỏ”.

Thành tích học tập hay ngoại khóa quan trọng hơn?

Nhiều người vẫn có quan niệm rằng để du học, nhất là vào trường top thì thành tích học tập của học sinh phải thuộc diện xuất sắc. Đây không hẳn là một ý kiến sai nhưng vẫn chưa đủ và luôn có ngoại lệ. Ở các trường thuộc khối Ivy League nói riêng và đại học Mỹ nói chung, thành tích hoạt động ngoại khoá, hoạt động bên lề khác của học sinh được đánh giá rất cao. Một hồ sơ chỉ có thành tích điểm số cao thường sẽ bị loại ngay từ đầu.

Robert Claggett - nhân viên tuyển sinh cấp cao tại Đại học Harvard trong 21 năm từng khẳng định để vào học tại đây hoàn toàn không phải cuộc chiến xem ai là người học giỏi nhất. Ông cho biết: "Không có công thức cố định nào để tuyển sinh vào Harvard, nên đừng tin những thứ gọi là sách truyền cảm hứng hay chỉ dẫn 'làm thế nào tôi vào được Harvard'".

Nhà tuyển sinh cho biết tại Harvard, có 2.000 sinh viên được nhận vào mỗi năm và 50%-75% người trong số này có năng lực học tập tốt. Số sinh viên còn lại có tài năng thuộc các lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, họ có thành tích hoạt động ngoại khoá đa dạng hoặc trải nghiệm cuộc sống ấn tượng. Thành tích học tập của họ không cần phải quá xuất sắc.

Harvard có thể nhận học sinh từng đi rửa bát chứ không phải người chỉ học giỏi: Muốn du học trường top đầu thì đâu mới là điều quan trọng?- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Các chuyên gia cho biết, một ứng viên vào trường Ivy League đã thể hiện sự xuất sắc trong một lĩnh vực học thuật ít người biết đến, sở hữu một tài năng khác thường hoặc giành chiến thắng trong một cuộc thi danh tiếng có thể có lợi thế lớn so với các ứng viên khác. Khi hầu hết mọi người đều có bảng điểm xuất sắc thì thứ tạo ra sự khác biệt là những thành tích ngoại khoá này.

Harvard từng nhận một học sinh nghèo không có bảng điểm đẹp hay danh sách tham gia câu lạc bộ nào, nhưng cậu có trải nghiệm đi làm thêm rửa bát từ nhỏ để trang trải cuộc sống của chính mình. Bên cạnh đó, có không ít người được nhận vì có bài luận vô cùng ấn tượng, thú vị.

Khả năng và tiềm năng của một học sinh được các nhà tuyển sinh đánh giá toàn diện, không chỉ phụ thuộc vào chỉ 1, 2 yếu tố.

Tuy nhiên, mỗi một trường sẽ có “gu” tuyển sinh của riêng mình và để thành công, học sinh cần tìm hiểu kỹ càng ưu tiên của từng ngôi trường trước khi làm hồ sơ. Điều quan trọng trước tiên là xem xét, cân nhắc xem bản thân có phù hợp với “gu” của trường không.

Môi trường học tập tốt nhất không nhất định phải là trường danh giá nhất mà phải là trường phù hợp nhất và có khả năng phát huy hết khả năng của sinh viên. Ví dụ, nếu các bạn trẻ yêu thích nghiên cứu thì nên đăng ký vào các trường thiên về nghiên cứu thay vì “chạy theo” các trường top. Tại các môi trường thiên về học thuật thì lúc này, bảng điểm lại rất được coi trọng.

Harvard có thể nhận học sinh từng đi rửa bát chứ không phải người chỉ học giỏi: Muốn du học trường top đầu thì đâu mới là điều quan trọng?- Ảnh 3.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm