Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã: PGB) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Đại hội dự kiến tổ chức vào sáng ngày 20/4 tại Hội trường nhà Câu lạc bộ, The Five Villas & Resort Ninh Bình, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
Tại đại hội năm nay, Hội đồng Quản trị (HĐQT) PGBank sẽ trình kế hoạch kinh doanh với tổng thu thuần kỳ vọng đạt mức 2.086 tỷ đồng, tăng gần 49,7% so với thực hiện năm 2023. Chi phí hoạt động và dự phòng được dự báo sẽ tăng thêm 46,9%, lên 1.532 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của PGBank dự kiến đạt 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Đến cuối năm 2024, tổng tài sản tăng lên 63.503 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ tín dụng dự báo tăng 12,9% lên 40.476 tỷ đồng. Huy động dự kiến đạt 56.530 tỷ đồng, tăng 13,5%.
Vốn điều lệ dự kiến lên mức 5.000 tỷ đồng sau khi thực hiện xong kế hoạch tăng vốn. Hiện PGBank đã thực hiện xong cấu phần thứ nhất trong kế hoạch tăng vốn là phát hành 120 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
PGBank đang triển khai phương án tăng vốn thêm 800 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Do có sự thay đổi trong vốn chủ sở hữu, ngân hàng đã điều chỉnh tỷ lệ thực hiện quyền thành 21:4 (tức mỗi cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận một quyền mua, 21 quyền mua sẽ được mua 4 cổ phiếu mới).
Trong năm 2023, PGBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 279,9 tỷ đồng. Sau khi trích lập quỹ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ khen thưởng, phúc lợi, lợi nhuận chưa phân phối của năm 2023 là 200,4 tỷ đồng. PGBank đề xuất không chia cổ tức trong năm 2024.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, PGBank cũng trình cổ đông thông qua các tờ trình về thù lao, lương, thưởng cho HĐQT, Ban Kiểm soát cũng như điều chỉnh Điều lệ, quy chế cho phù hợp với Luật TCTD 2024 và lựa chọn tổ chức kiểm toán.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào tháng 10/2023, PGBank đã thông qua phương án tăng vốn điều và đổi tên ngân hàng thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển.
Theo ban lãnh đạo PGBank, nguyên nhân đổi tên là do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex. Hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn tại PGBank và Petrolimex đã yêu cầu PGBank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023. Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của PGBank là cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.
Bên cạnh đó, PGBank cũng thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đó, trụ sở ngân hàng đặt tại địa chỉ Tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.