Doanh nghiệp

Hành trình "trẻ hóa" của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam

Hành trình 'trẻ hóa' của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam  - Ảnh 1.

Đại diện các thương hiệu hàng đầu Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong hành trình "làm mới" thương hiệu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Câu chuyện được nhiều thương hiệu chia sẻ Hội thảo "Đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới" diễn ra vào sáng ngày 3-1, do Sở Công Thương TP.HCM, báo Tuổi Trẻ phối hợp CSMO Việt Nam tổ chức. Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình "Đi cùng thương hiệu: Walk & Talk" và khuôn khổ của giải thưởng "Thương hiệu Vàng Thành phố Hồ Chí Minh" lần 5 năm 2024.

Tọa đàm được điều phối bởi ông Lê Quốc Vinh - chủ tịch HĐQT LeBros, phó chủ tịch CSMO Việt Nam.

PNJ: Từ kinh doanh vàng đến bán lẻ lifestyle

Tại hội thảo, ông Lê Trí Thông, tổng giám đốc PNJ, đã chia sẻ câu chuyện chuyển mình đầy ấn tượng của doanh nghiệp từ một nhà kinh doanh vàng miếng thành nhà bán lẻ trang sức hàng đầu, và đang vươn tới mục tiêu trở thành nhà bán lẻ lifestyle.

Theo ông Thông, ở giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp thường tập trung vào sản phẩm mà ít chú trọng đến xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, từ năm 2012, PNJ đã bước vào hành trình chuyển đổi chiến lược, từ kinh doanh vàng sang kinh doanh trang sức, và sau đó trở thành nhà bán lẻ trang sức. 

Kết quả là từ năm 2012 đến nay, doanh thu thuần của PNJ đã tăng gần 6 lần, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 8 lần, giá trị vốn hóa tăng 14 lần, và giá trị thương hiệu đạt 480 triệu USD, tăng trưởng gấp 5 lần.

Hành trình 'trẻ hóa' của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam - Ảnh 2.

ông Lê Trí Thông, tổng giám đốc PNJ, chia sẻ hành trình từ kinh doanh vàng đến bán lẻ lifestyle - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Thông nhấn mạnh rằng dù thị trường thay đổi liên tục, PNJ vẫn giữ vững giá trị cốt lõi là “niềm tin”. Niềm tin này không chỉ xây dựng từ uy tín và sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, mà còn được củng cố qua sự hiện diện mạnh mẽ trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, các giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. Đồng thời, PNJ không ngừng đổi mới để thích ứng với sự thay đổi trong thị hiếu khách hàng.

PNJ đã thay đổi cách tiếp cận bằng việc trẻ hóa hình ảnh thương hiệu, tung ra dòng sản phẩm mới như Style, hướng đến đa dạng lứa tuổi khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ. Ngoài ra, các thiết kế trang sức ngày càng sáng tạo, hiện đại, đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.

Bên cạnh sản phẩm, PNJ cũng chú trọng đến nâng cao chất lượng dịch vụ và thiết kế lại không gian cửa hàng, biến các điểm bán hàng thành nơi trải nghiệm sản phẩm độc đáo. Doanh nghiệp tập trung mang đến trải nghiệm toàn diện để tăng mức độ hài lòng và gắn bó của khách hàng.

Nhân sự được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển. PNJ đã đầu tư vào đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, giúp họ thấu hiểu sâu sắc hơn về sản phẩm, dịch vụ và khách hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến và áp dụng công nghệ như AI để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Ông Thông chia sẻ, PNJ lựa chọn cách “nâng cấp hệ điều hành” trước khi “cài thêm ứng dụng” để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn. Thành công của PNJ là minh chứng cho một chiến lược thương hiệu bền vững, đổi mới sáng tạo từ nội tại, và hướng tới tương lai.

Hành trình tái định vị thương hiệu của Vinamilk

Ông Nguyễn Quang Trí, giám đốc điều hành marketing của Vinamilk, chia sẻ về hành trình tái định vị thương hiệu của một tên tuổi quen thuộc với nhiều thế hệ người tiêu dùng Việt Nam.

Hành trình 'trẻ hóa' của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quang Trí, giám đốc điều hành marketing của Vinamilk, chia sẻ về hành trình tái định vị thương hiệu của một tên tuổi quen thuộc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hai năm trước, Vinamilk bắt đầu hành trình này với không ít trăn trở, dù đã đạt vị trí đỉnh cao trên thị trường. Ông Trí cho rằng "đỉnh cao không có nghĩa là bền vững", bởi hành vi và thói quen tiêu dùng thay đổi rất nhanh. Thị trường ngày càng phân hóa khi người tiêu dùng đòi hỏi sản phẩm đẳng cấp hơn, cá nhân hóa hơn, ngay cả ở những sản phẩm phổ thông. Là một thương hiệu đại chúng, Vinamilk đối mặt với bài toán giữ chân khách hàng trung thành, trong khi vẫn phải chinh phục thế hệ tiêu dùng mới.

Quá trình tái định vị thương hiệu của Vinamilk bao gồm việc thay đổi bao bì và phong cách sản phẩm, đi kèm những tranh cãi nhất định. Tuy nhiên, ông Trí khẳng định đây là bước đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường hiện đại. Ông cho biết, nhiều sản phẩm đã được "thay áo mới" với phong cách đa sắc màu, lấy cảm hứng từ ẩm thực Việt Nam. Chiến lược này xoay quanh giá trị cốt lõi "Chăm sóc" (Care), thể hiện sự quan tâm đến cả sản phẩm lẫn trải nghiệm khách hàng.

Kết quả của chiến lược tái định vị đã mang lại những dấu hiệu tích cực. Theo khảo sát của Ipsos, công ty nghiên cứu thị trường lớn thứ ba thế giới, 73% người tiêu dùng nhận xét Vinamilk là một thương hiệu đổi mới và sáng tạo, trong khi 58% đánh giá cao tính cao cấp. Cả hai chỉ số này đều tăng đáng kể so với trước khi triển khai chiến lược tái định vị.

Ông Trí nhấn mạnh, Vinamilk sẽ tiếp tục hành trình tái định vị trong tương lai để không ngừng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và giữ vững vị thế trên thị trường. Hành trình này là minh chứng cho sự sáng tạo và khả năng thích nghi, giúp Vinamilk không chỉ giữ vững di sản thương hiệu, mà còn mở rộng chinh phục những phân khúc mới.

Kido và câu chuyện đa dạng kênh phân phối

Tập đoàn Kido đã cho thấy một hướng đi khác biệt trong việc đổi mới thương hiệu thông qua việc phát triển đa dạng kênh phân phối - một trong những triết lý kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp này. Theo chia sẻ từ ông Trần Quốc Bảo - phó tổng giám đốc tập đoàn kiêm CEO kênh thương mại điện tử E2E - Kido đã xây dựng thành công nhiều kênh phân phối từ GT đến MT, điển hình như mạng lưới hơn 10.000 điểm bán bánh trung thu theo mùa, hệ thống phân phối kem và chuỗi Mini Bao Thuận Phát.

Hành trình 'trẻ hóa' của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Trần Quốc Bảo - phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido kiêm CEO kênh thương mại điện tử E2E - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Gần đây nhất, Kido đã ra mắt nền tảng thương mại điện tử E2E, hướng đến mục tiêu trở thành kênh mua sắm tích hợp giải trí đầu tiên trên nền tảng xã hội. Nền tảng này không chỉ đơn thuần là kênh bán hàng mà còn là hệ sinh thái tổng thể kết nối sản phẩm, người tiêu dùng và phương thức bán hàng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng.

Theo ông Bảo, trong bối cảnh Kido đang hướng đến mô hình doanh nghiệp đa ngành, việc duy trì phương thức kinh doanh truyền thống sẽ gặp nhiều hạn chế. E2E được xem là giải pháp then chốt giúp tập đoàn chuyển đổi và mở rộng danh mục sản phẩm. Ông nhấn mạnh rằng E2E không nhằm cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử hiện có, mà đóng vai trò thúc đẩy chuyển đổi hành vi tiêu dùng từ offline sang online, tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển đa ngành của Kido.

Đổi mới bắt đầu từ con người

Hành trình 'trẻ hóa' của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam  - Ảnh 5.

Bà Lê Quang Thục Quỳnh - CEO Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS)

Chia sẻ về quá trình đổi mới của doanh nghiệp, bà Lê Quang Thục Quỳnh - CEO Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) - cho hay VUS đã có những mốc chuyển mình trong chuyển đổi tư duy quản trị từ truyền thống sang hiện đại, quản trị dựa trên data… và đã mang lại những hiệu quả.

Trong đó, VUS đã xây dựng thương hiệu của tổ chức giáo dục là nhân hiệu của từng nhân viên, của từng giáo viên. Trong sự đổi mới, bà Quỳnh cho rằng cần đổi mới từ con người trước, quan trọng là tư duy của con người, sau đó mới chọn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp.

Trẻ hóa sản phẩm, đổi mới chính mình

Hành trình 'trẻ hóa' của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam  - Ảnh 6.

Bà Trần Phương Nga - CEO của Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (TLG)

Bà Trần Phương Nga - CEO của Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (TLG) - cho hay lợi thế của doanh nghiệp là đã biết, sử dụng sản phẩm của Thiên Long, thậm chí nhiều thế hệ trong cùng một gia đình đều dùng sản phẩm của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức của thương hiệu, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những bước thay đổi để làm mới mình.

Trong đó, doanh nghiệp phải thay đổi từ nhân sự, quản trị, sản phẩm, thương hiệu… để trẻ hóa sản phẩm, đổi mới chính mình, hướng đến mọi đối tượng khách hàng trong nước và quốc tế.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm