Tài chính

Hàng triệu thùng dầu gặp nguy vì lệnh trừng phạt của Mỹ, khách ‘ruột’ dầu Nga gấp gáp rút ngắn thời gian thanh toán cho Moscow

Hàng triệu thùng dầu gặp nguy vì lệnh trừng phạt của Mỹ, khách ‘ruột’ dầu Nga gấp gáp rút ngắn thời gian thanh toán cho Moscow- Ảnh 1.

Các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ đang đặt mục tiêu giảm thời gian thanh toán tiền mua dầu Nga đi 1 nửa so với trước đây.

Động thái này diễn ra sau khi Mỹ tung các lệnh trừng phạt mới nhất vào ngành dầu khí Nga vào ngày 10/1. Mục tiêu nhắm tới là 2 công ty dầu mỏ lớn Gazprom Neft và Surgutneftegas, 183 tàu chở dầu, hàng chục thương nhân dầu mỏ, công ty bảo hiểm và quan chức ngành năng lượng.

Washington sẽ tiếp tục cho phép các bên thanh toán tiền mua các sản phẩm năng lượng của Nga cho đến hết ngày 27/2. Vì vậy, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ hiện đang tìm cách hoàn tất các khoản thanh toán chỉ trong 2 ngày thay vì 5 ngày.

Các lệnh trừng phạt đã khiến hàng triệu thùng dầu thô đang trên đường đến Ấn Độ rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Theo dữ liệu theo dõi tàu của Kpler, hiện có ít nhất 4,4 triệu thùng dầu thô từ Nga đang được vận chuyển đến Ấn Độ. Một vài trong số này đang được vận chuyển trên các tàu mới bị trừng phạt. Số phận của các lô hàng này vẫn chưa rõ sẽ ra sao.

Reuters dẫn một nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết các nhà máy lọc dầu của nước này đã ngừng kinh doanh với các tàu chở dầu và công ty của Nga thuộc diện trừng phạt.

Kể từ năm 2022, Nga đã chuyển hướng hợp tác thương mại và vận chuyển dầu sang các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, sau khi bị các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và áp mức giá trần.

Trong 11 tháng đầu năm ngoái, lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,764 triệu thùng/ngày, tương đương 36% tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ. Khối lượng của Trung Quốc, bao gồm cả nguồn cung qua đường ống, tăng 2% lên 99,09 triệu tấn (2,159 triệu thùng/ngày), hay 20% tổng lượng nhập khẩu, trong cùng kỳ.

Các lệnh trừng phạt mới khiến Trung Quốc và Ấn Độ phải trở lại thị trường dầu không bị áp đặt trừng phạt để tìm kiếm nguồn cung dầu mới, trong đó có Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ.

Trong những tháng gần đây, giá giao ngay các loại dầu từ Trung Đông, châu Phi và Brazil tăng cao do nhu cầu nhập khẩu dầu nhiều hơn từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Reuters

Cùng chuyên mục

Đọc thêm