Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Công ty cổ phần Âu Lạc ghi nhận doanh thu đạt hơn 386 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm liền trước. Giá vốn hàng bán giảm giúp lợi nhuận gộp tăng 29% lên gần 155 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp vượt 40%.
Doanh thu tài chính giảm 21% còn dưới 10 tỷ đồng, song chi phí tài chính giảm hơn nửa so với cùng kỳ còn 14 tỷ đồng giúp hoạt động này cũng được cải thiện. Ngoài ra, chi phí bán hàng giảm 2% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 19%.
Những biến động này giúp Âu Lạc ghi nhận lãi sau thuế hơn 104 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.
Tính chung cả năm, Âu Lạc công bố doanh thu gần 1.556 tỷ đồng, tăng gần 28% và lãi sau thuế gần 261 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2023. Đây là doanh thu và lợi nhuận cao nhất lịch sử của doanh nghiệp.
Năm ngoái, công ty vận tải biển này đề ra mục tiêu tổng doanh thu dự kiến 1.324 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 187 tỷ đồng. Như vậy, đơn vị đã hoàn thành đến 174% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Âu Lạc là công ty tư nhân lớn trong lĩnh vực vận tải biển, với đội tàu chủ yếu là tàu chở xăng dầu, hiện do bà Ngô Thu Thúy làm Chủ tịch HĐQT. Bà Thúy là nhân vật nổi bật trong giới tài chính, từng tham gia cuộc đua quyền lực tại Ngân hàng Eximbank (EIB) trước đây.
Âu Lạc cũng từng là cổ đông lâu năm tại Eximbank nhưng hiện đã bán hết. Công ty này sau đó dồn tiền mua cổ phiếu ACB nhưng cũng tất toán toàn bộ khoản đầu tư từ quý I/2024.
Tại thời điểm cuối 2024, Âu Lạc có quy mô tổng tài sản gần 2.300 tỷ đồng; trong đó có sở hữu lượng tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn đến 980 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn an toàn với vốn chủ sở hữu hơn 1.400 tỷ đồng và nợ phải trả dưới 900 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến nay đã đạt gần 515 tỷ đồng, xấp xỉ với quy mô vốn điều lệ 565 tỷ đồng.
Trong giai đoạn năm 2024 - 2025, tình hình Biển Đỏ đã làm căng thẳng chuỗi cung ứng toàn cầu (làm giảm 9% công suất vận tải container toàn cầu), do đó SSI Research cho rằng nếu chuỗi cung ứng chịu thêm áp lực sẽ đẩy giá cước vận tải tăng mạnh hơn. Về phía cung, nhóm phân tích nhận thấy việc giao tàu mới có thể tăng 5% công suất hoạt động, nhưng vẫn sẽ không đủ cho nhu cầu tăng mạnh trong thời gian ngắn.
Nói cách khác, SSI Research cho rằng chu kỳ tăng trưởng của ngành vận tải có thể sẽ chưa đạt đỉnh vào năm 2025 như dự báo trước đó, mà đến 2026, từ đó kéo dài triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty vận tải.