Liên quan tới việc UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Lọc hóa dầu Nghi Sơn) đề nghị nhận chìm hơn 1,4 triệu m3 bùn thải hình thành trong quá trình nạo vét, duy tu cảng lọc hóa dầu xuống biển, theo tìm hiểu, hiện vùng biển Nghi Sơn đã có hàng triệu m3 bùn thải được cho nhận chìm.
Cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Theo tài liệu mà phóng viên có được, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép nhận chìm xuống biển cho nhiều đơn vị, với khối lượng bùn thải nhận chìm hơn 5 triệu m3.
Cụ thể, ngày 4-10-2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần gang thép Nghi Sơn được nhận chìm 2,1 triệu m3 bùn thải hình thành từ việc nạo vét tuyến luồng vào cảng. Khu vực nhận chìm có diện tích gần 20 ha, độ sâu từ 3-5 m, thuộc vùng biển phường Hải Hà (thị xã Nghi Sơn).
Đến ngày 14-3-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp túc cho phép Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân được nhận chìm gần 1,1 triệu m3 hình thành từ việc nạo vét khu vực bể cảng và luồng vào cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty này được Lọc hóa dầu Nghi Sơn ký hợp đồng xử lý chất thải).
Gần đây nhất, ngày 27-10-2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn nhận chìm 2 triệu m3 bùn thải chất nạo vét vũng quay trở tàu, luồng nhánh và khu neo đậu tàu.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại cuối năm 2018
Với việc đã cấp phép cho nhiều đơn vị nhận chìm hơn 5 triệu m3 bùn thải nạo vét, nên việc Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục đề xuất nhận chìm lượng lớn bùn thải sẽ "vượt quá sức chịu tải môi trường của vùng biển Nghi Sơn, ảnh hưởng đến ngư trường đánh bắt gần bờ của ngư dân địa phương". Vì thế, tại 2 lần đề nghị nhận chìm 7 triệu m3 (tháng 11-2021) và 1,8 triệu m3 (tháng 5-2022), tỉnh Thanh Hóa đã không đồng ý.
Đến lần thứ 3 (tháng 7-2022), Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục xin nhận chìm chất nạo vét, với khối lượng hơn 1,4 triệu m3. UBND tỉnh Thanh Hóa đã họp, giao đơn vị có liên quan làm việc với Lọc hóa dầu Nghi Sơn tính toán, xác định khối lượng chất nạo vét, đảm bảo khối lượng nhận chìm ở mức thấp nhất. Đồng thời, có văn bản xin ý kiến Bộ TN-MT.
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9 tỉ USD. Dự án có diện tích gần 400 ha trên bờ và hơn 900 ha mặt nước, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. Dự án đã vận hành thương mại vào cuối năm 2018 và đóng góp lớn cho ngân sách của địa phương. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đóng góp cho ngân sách của tỉnh Thanh Hóa gần 15 ngàn tỉ đồng.