Ô nhiễm rác thải nhựa là một vấn đề đáng báo động hiện nay, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa ở đại dương. Đầu năm 2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra báo cáo chứng minh rằng thế giới đang sản xuất số lượng nhựa nhiều gấp đôi so với hai thập kỷ trước, và phần lớn trong số chúng đang bị thải ra môi trường tự nhiên.
OECD cho biết các nước thành viên của tổ chức, bao gồm cả Mỹ, đang chiếm đến 35% tổng khối lượng vi nhựa bị thải ra, tạo nên “một mối lo ngại nghiêm trọng".
Vấn đề này dự kiến sẽ còn tiến triển xấu hơn trong những thập kỷ tới, khiến các động vật biển lớn có “nguy cơ cực cao" ăn phải những loại nhựa này. Đây là loại polyme tổng hợp cực nhỏ, với chiều dài chưa đến 5mm, tương đương với một cục tẩy trên đầu cây bút chì gỗ mà ta hay dùng.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications, vùng nước có mật độ rác thải nhựa cao nhất là vùng từ 50 đến 250m dưới bề mặt đại dương, và đây cũng chính là độ sâu nơi cá voi tấm sừng kiếm ăn chủ yếu.
Đặc điểm chung của những loài cá voi thuộc phân bộ này đó là thay vì có răng để nhai, chúng sẽ uống từng ngụm nước lớn, sau đó nhờ vào tấm sừng của mình, chúng sẽ lọc lấy những loài nhuyễn thể bên trong và thải nước ra ngoài. Đó cũng chính là lý do khiến loài cá voi này tiếp xúc với các mảnh vi nhựa nhiều hơn đáng kể.
Matthew Savoca, một trong những nhà nghiên cứu tại Vịnh Monterey chia sẻ: “ Không chỉ đơn giản là tiêu thụ những loài nhuyễn thể, cá voi tấm sừng còn ăn phải rất nhiều nhựa trong suốt quá trình lọc nước. Đó có thể là những mảnh nhựa trôi dạt hoặc từ những con mồi đã ăn phải nhựa trước đó ".
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có đến 98 - 99% số lượng nhựa là đến từ “thức ăn" của loài cá khổng lồ này chứ không phải trực tiếp từ nước.
Trong số những con cá voi được nghiên cứu còn có cả cá voi xanh, loài động vật lớn nhất hành tinh với khối lượng có thể lên đến 165 tấn, dài đến 33m và tuổi thọ lên đến 90 năm. Theo một ước tính sơ bộ, loài cá này có thể tiêu thụ khoảng 10 triệu mảnh vi nhựa (hơn 43kg) mỗi ngày, hoặc thậm chí là có thể nhiều hơn.
Những nhà nghiên cứu đang lấy mẫu nước ngoài khơi bờ biển California
Những con số trên được xác định dựa vào cách kiểm tra chéo về mức độ ô nhiễm vi nhựa trong khu vực. Tức là dựa trên lượng vi nhựa trong nước, lượng nhựa được các loài nhuyễn thể tiêu thụ và lượng nhuyễn thể được cá voi tiêu thụ để cho ra đáp án cuối cùng.
Hầu hết nhựa đến từ các sợi tổng hợp trong quần áo, các món đồ nội thất, dây thừng hay các đồ vật sử dụng nhựa khác.
Cá voi xanh có thể ăn đến 10 hoặc 15 tấn thức ăn mỗi ngày, vì thế lượng nhựa mà chúng ăn vào là rất nhỏ theo tỷ lệ. Tuy nhiên đó vẫn là một mối nguy hiểm lớn và gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của chúng.
Không chỉ đối với cá voi, vấn đề này cũng là mối đe dọa của tất cả những loài động vật khác có nguy cơ ăn phải nhựa. Theo ông Savoca, có một số vi nhựa có kích thước thậm chí còn nhỏ hơn 5mm và được chứng minh là có khả năng đi qua thành ruột vào các cơ trong cơ thể con người. Vào năm 2018, các nhà khoa học đã phát hiện ra vi nhựa trong chất thải của con người. Đầu năm nay, vi nhựa đã được tìm thấy trong mô phổi, nhau thai, sữa mẹ và trong máu.
“ Đây là thế giới mà tất cả chúng ta đang sống, những vấn đề tương tự xảy ra với cá voi cũng có thể là vấn đề của chính chúng ta ”, ông Sovaco cho hay.
Nguồn: CBS News