Sau cưới mỗi gia đình thường sẽ có cách xử lý khác nhau với số tiền mừng cưới. Một số gia đình sẽ cho vợ chồng mới cưới toàn số tiền mừng coi như là một phần hỗ trợ tài chính cho 2 con. Vậy họ thường sẽ làm gì với số tiền này?
Dồn toàn bộ tiền để mua nhà
Huyền Trang (28 tuổi), kết hôn vào năm 2020 chia sẻ rằng toàn bộ tiền mừng cưới vợ chồng cô được bố mẹ 2 bên cho, xem như cái vốn để bắt đầu sang trang mới trong cuộc sống. "Trước khi cưới, vợ chồng mình chuẩn bị giường tủ, trang trí phòng cưới, còn lại bố mẹ lo cho hết. Thực ra, lúc cưới xong vợ chồng mình cũng trích ra một khoản biếu bố mẹ 2 bên, nhưng bố mẹ từ chối. Do vậy, vợ chồng mình để tích góp thêm vào khoản mua nhà".
Nói về lý do tại sao dành toàn bộ số tiền này để mua nhà, Huyền Trang cho rằng lúc đó muốn mua nhà để khi có con có thể chuyển về nhà mới là vừa. Ở trọ mãi cũng không tiện, muốn có 1 ngôi nhà để ổn định cuộc sống, an cư mới có thể lạc nghiệp.
Huyền Trang
Bên cạnh đó, vợ chồng cô lúc mua nhà xong vẫn chưa có em bé, do đó, có nhiều thời gian hơn để "cày cuốc" kiếm tiền, thêm 1 khoản tiết kiệm. "Hiện tại, đồ đạc trong nhà mình chưa có gì cả, chỉ có mấy đồ nội thất cơ bản. Nhà mình cũng không kinh doanh, chưa tính đến chuyện đầu tư nên mua nhà vẫn là quyết định phù hợp nhất".
Theo trải nghiệm của Huyền Trang, mua nhà cũng giúp gia đình cô có thêm động lực kiếm tiền vì vẫn còn khoản nợ. Tuy nhiên, không phải đi vay ngân hàng mà chủ yếu là người thân và bạn bè nên vẫn đỡ áp lực hơn.
"Bọn mình cũng tính toán kỹ càng. Mặc dù dồn hết tiền, nếu có vấn đề gì khác bọn mình vẫn xoay được vì thu nhập 2 người cũng khá ổn. Chứ mua xong rồi không biết lấy tiền đâu để tiền xài chưa chắc là vợ chồng mình đã quyết định mua nhà, vì nó khá rủi ro".
Trích một phần đi du lịch, còn lại để tiết kiệm
Còn đối với Tú Uyên (25 tuổi), vợ chồng cô trích 1 ít số tiền mừng cưới để đi du lịch hưởng tuần trăng mật, còn lại dồn hết vào tiết kiệm ngân hàng. Bên cạnh đó, mỗi tháng Tú Uyên cùng chồng sẽ trích 30% tiền lương vào tài khoản tiết kiệm vì muốn tích lũy càng nhiều càng tốt cho những kế hoạch lớn sau này: mua nhà, chuẩn bị kế hoạch nếu muốn có con. Hơn thế nữa, số tiền mừng cưới cũng được chia ra 1 khoản riêng để giúp đỡ bố mẹ 2 bên khi cần việc gấp.
"Mình nghĩ việc bố mẹ cho con cái toàn bộ tiền mừng cưới thì người con nào cũng thích, nó như một bước đệm tài chính khi tiến vào cuộc sống hôn nhân", quan điểm của Tú Uyên về chuyện được bố mẹ cho hết số tiền mừng cưới.
Tú Uyên
Theo Tú Uyên, sau khi nhận tiền cưới là lúc tận hưởng cuộc sống hôn nhân, do vậy cô cũng trích 1 phần để đi du lịch. "Tụi mình tính ra không chỉ du lịch sau cưới mà hầu như tháng nào cũng đi chơi. Vì vợ chồng mình muốn được thoải mái sau những ngày làm việc mệt nhọc. Còn trẻ còn thời gian, chưa vướng bận gì quá nhiều nên tranh thủ. Tiền làm ra tiết kiệm cũng có rồi, chi phí sinh hoạt cũng lên kế hoạch chi tiêu, do vậy bọn mình cũng thoải mái trong vấn đề đi du lịch hơn".
Cầm tiền mừng cưới để sau này còn biết để… mừng lại
Khác với Huyền Trang và Tú Uyên được bố mẹ chi trả phần lớn chi phí đám cưới, Thùy Dung (29 tuổi) cùng chồng tự tổ chức đám cưới của mình. Do vậy, số tiền mừng cưới, vợ chồng cầm để sau này biết đường đi mừng lại bạn bè đã mừng.
Thuỳ Dung
Đối với Thùy Dung, tiền mừng cưới dùng để chi trả chi phí đám cưới, còn lại phần nhỏ thì vợ chồng cô bỏ tiết kiệm. Gia đình cô có kế hoạch không tiêu đến số tiền đó mà chỉ để trong ngân hàng.
"Mình nghĩ là với số tiền mừng cưới, vợ chồng trẻ nên thống nhất trước với nhau kế hoạch cần làm gì với số tiền đó khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi cặp đôi để chi tiêu hoặc tiết kiệm khoản tiền cưới. Việc ngồi lại với nhau để lập kế hoạch chi tiêu cho khoản tiền chung đó vừa là tiền đề cho việc thiết lập tài chính gia đình từ giai đoạn sớm, vừa giúp vợ chồng hiểu được nguồn tài chính của 2 người đang như thế nào", quan điểm của Thùy Dung.
Ảnh: NVCC