Sáng 4/11, sau khi kết thúc phần chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn nạn lừa đảo qua mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là vấn đề nan giải không chỉ với Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để định nghĩa rõ các hành vi, quy định rõ quy trình xử lý hành chính, mức phạt để lực lượng công an xử lý.
Để xử lý một cách căn bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã công khai các đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm.
Bộ cũng tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin để rà quét, ngăn chặn các trang web có dấu hiệu lừa đảo; tập trung xử lý sim rác, xóa khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ, hoặc thông tin không chính xác, đối soát thông tin qua cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
Ba năm chưa xử lý xong sim rác
Trước chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về việc ba năm trước vấn đề xử lý sim rác đã được nêu ra tại Quốc hội, Bộ trưởng cũng đã nhận trách nhiệm sẽ xử lý nhưng đến nay, nạn sim rác vẫn tràn lan, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm về vấn đề này và tiếp tục có những giải pháp để làm tốt hơn.
Bộ trưởng cho biết, trong gần 3 năm vừa qua, Bộ Thông tin & Truyền thông đã quyết liệt loại 22 bỏ triệu sim không chính chủ. Bộ đã thanh tra toàn diện và nhắc nhở cụ thể xem xét trách nhiệm của từng đơn vị doanh nghiệp viễn thông.
Hiện Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đang thực hiện xác thực xem thông tin người dân sử dụng để đăng ký trên cơ sở dữ liệu dân cư có đúng với thông tin đăng ký sim hay không, có chính chủ không? Quá trình này dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2022 và cùng lắm là đầu năm sau, Bộ trưởng cho hay.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ ra một con số đáng chú ý là đến nay còn 261 người, mỗi người đăng ký trên 1.000 sim, chỉ riêng số sim này đã là 1,5 triệu. Bên cạnh đó, có 5.700 người, mỗi người đăng ký trên 100 sim, tổng số 2,8 triệu sim; 270.000 người mỗi người đăng ký trên 10 sim, tổng số này là 7,8 triệu.
Vì vậy, bước thứ 3 là thanh tra về sim chính chủ để hạn chế sim rác. Hiện luật pháp quy định một người được đăng ký nhiều sim và quy định rất rõ là chỉ được đăng ký thay cho con dưới 14 tuổi và người mình giám hộ. Nếu làm xong các bước này, vấn đề sim rác sẽ được giải quyết một cách cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Danh Tú nêu rõ việc thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ba doanh nghiệp chiếm 96% thị phần là Viettel, VNPT, Mobifone mới rà soát, đối chiếu được hơn 24% tổng số giấy tờ thuê bao.
Theo Báo cáo số 158 của Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu là hoàn thành 100% việc đối soát này trong tháng 11/2022. Như vậy, còn chưa đầy một tháng nữa phải rà soát, đối chiếu xong 58 triệu thuê bao di động còn lại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về tính khả thi cũng như giải pháp để đạt được mục tiêu trên nhằm góp phần loại bỏ sim rác?
Về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc xác thực thông tin được thực hiện qua hình thức câu hỏi có hoặc không, đến nay gần 90% thông tin thu thập được là chính xác. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác này phải thực hiện xong trong tháng 11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
Với các vấn đề liên quan đến tin giả, trên không gian số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tin giả lan truyền rất nhanh, rất rộng. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các Nghị định quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan; hạ thời gian mà các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu độc từ 48 giờ xuống còn 24 giờ.
"Về mức phạt đưa thông tin, hiện nay chúng ta tăng lên 3 lần, tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức phạt của chúng ta chỉ bằng 1/10. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét cân nhắc đưa mức xử phạt lên mức răn đe", Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh việc ngăn chặn thông tin xấu độc thực sự là công việc khó khăn, Bộ trưởng cho rằng, giải pháp căn bản là cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng.