Hàng trăm tên lửa đạn đạo Iran tiến vào Nga
Tờ New York Times (NYT) ngày 7/9 dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu cho hay, Iran vừa chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn tới Nga, bất chấp việc Washington và đồng minh đã cảnh báo gay gắt Tehran “không cung cấp tên lửa để Moscow tấn công các mục tiêu ở Ukraine”.
Theo tờ The Times (Anh), lô hàng mà Iran đưa tới Nga chứa hơn 200 tên lửa đạn đạo. Thông tin do tình báo Ukraine thu thập được cho thấy, đó là các tên lửa Fath-360, có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 70 dặm (112km). Con tàu chở số tên lửa này được cho là đã cập cảng ở biển Caspi trong ngày 4/9.
Một nguồn tin quân sự của Ukraine cho biết, các tên lửa đạn đạo Iran sẽ là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” đối với Nga, bởi chúng cho phép Moscow tăng cường khả năng tấn công các thị trấn và thành phố của Ukraine từ khoảng cách xa hơn.
Đáng nói, một quan chức cấp cao của châu Âu lưu ý, Tehran dự kiến sẽ còn tiếp tục chuyển vũ khí cho Nga. “Đây chưa phải là hồi kết”, quan chức này nói.
Trước đó, Ukraine đã phải vật lộn với việc ngăn chặn các tên lửa đạn đạo được Nga phóng đi. Kết quả phân tích của tờ Wall Street Journal (WSJ) dựa trên dữ liệu do Không quân Ukraine cung cấp cho thấy, trong vòng 6 tháng (tính đến tháng 3/2024), Ukraine chỉ bắn hạ được 10% tên lửa đạn đạo do Nga phóng.
Tên lửa đạn đạo được đánh giá là mục tiêu đánh chặn “quá nhanh và quá lớn” đối với hầu hết các hệ thống phòng không hiện nay.
Theo WSJ, hiện chỉ có hệ thống phòng không Patriot (do Mỹ sản xuất) là phương thức đáng tin cậy duy nhất để Ukraine bắn hạ những tên lửa này. Tuy nhiên, số lượng các hệ thống như vậy trong tay Kiev “quá ít ỏi”.
Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) nhận định, với việc tiếp nhận hàng trăm tên lửa Iran, Nga có thể sắp phát động thêm một đòn trả đũa khốc liệt mới cho Kursk - tỉnh biên giới của Nga bị quân đội Ukraine tràn qua tấn công từ ngày 6/8.
Trước đó, hôm 23/8, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, Tổng thống Putin đã quyết định phương thức đáp trả chiến dịch đột kích của Ukraine vào Kursk và đó sẽ là "một sự trừng phạt nghiêm khắc". Trong những ngày qua, Nga đã phát động liên tiếp các cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine. Những đợt tấn công này được nhận định là trả đũa cho Kursk, song giới chuyên gia cho rằng Moscow sẽ chưa dừng lại tại đó.
Ông Fabian Hinz – chuyên gia tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trụ sở tại London cho rằng, Nga có thể triển khai tên lửa Iran để tấn công các khu vực biên giới như Kharkiv, Sumy và các vùng hậu phương của Ukraine ở Donbass hay Dnipro.
Bên cạnh đó, tên lửa Iran có thể được Nga phối hợp với bom lượn và máy bay không người lái (UAV) nhằm mục đích áp đảo Ukraine trên chiến trường. “Độ chính xác thường dễ đạt được hơn ở các khoảng cách ngắn”, ông Hinz nói.
Đáng lưu ý, chúng còn có thể "mở đường" cho việc Iran tiếp tục cung cấp cho Nga các tên lửa có tầm bắn xa hơn 500km. “Những tên lửa đó có thể tấn công các mục tiêu xa hơn ở miền tây Ukraine”,ông Hinz nhận định.
Trong khi đó, theo trang tin tức Inforoom của Ukraine, tên lửa Fath-360 có trọng lượng phóng 787kg, mang đầu đạn 150kg, có khả năng đạt tốc độ Mach 4. Với thông số này, nó đủ sức gây ra những hậu quả khốc liệt cho Ukraine.
Tờ Defense Express (Ukraine) thậm chí nghi ngờ rằng, tên lửa mà Nga nhận được thực chất là Fateh-110, với sức công phá khủng khiếp hơn nhiều lần khi có tầm bắn lên tới 300km, mang đầu đạn 500kg.
Mỹ và đồng minh chuẩn bị tung đòn trừng phạt, Ukraine cảnh báo “hậu quả tàn khốc” với Iran
Theo WSJ, các quan chức châu Âu cho biết họ đang trao đổi với Washington để đưa ra phản ứng với Iran sau động thái chuyển giao tên lửa cho Nga. Phản ứng này có thể bao gồm việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Công tác chuẩn bị cho các biện pháp trừng phạt này thực chất đã được tiến hành từ vài tháng nay, sau khi xuất hiện thông tin nghi ngờ Tehran chuyển tên lửa cho Nga.
Châu Âu có thể sẽ cấm hãng hàng không quốc gia Iran tổ chức chuyến bay tới các sân bay châu Âu. Họ cũng có thể sẽ nhắm mục tiêu vào một loạt doanh nghiệp và cá nhân Iran có liên quan tới việc chuyển giao tên lửa, ví dụ như công ty vận tải.
Tờ The Times dẫn lời một quan chức quốc phòng Ukraine tuyên bố:“Nếu thường dân Ukraine thiệt mạng vì những tên lửa này, Iran sẽ phải trả giá gấp đôi. Phản ứng sẽ rất thảm khốc”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ukraine bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với thông tin Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga, đồng thời cảnh báo động thái này sẽ gây ra “hậu quả tàn khốc” cho quan hệ Ukraine-Iran.
Trong ngày 7/9, Bộ Ngoại giao Ukraine tiếp tục kêu gọi Iran kiềm chế chuyển giao bất cứ vũ khí hay thiết bị quân sự nào cho Nga, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế “tăng sức ép lên Moscow và Tehran để bảo vệ hòa bình, cũng như an ninh quốc tế”.
Phản ứng của Iran
Theo tờ Iran International ngày 8/9, ông Ahmad Bakhshayesh Ardestani - một thành viên của Ủy ban An ninh Quốc gia & Chính sách Đối ngoại trong Quốc hội Tehran đã lên tiếng xác nhận việc chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga.
Tuyên bố xác nhận được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc phủ nhận thông tin ban đầu do truyền thông phương Tây đưa ra.
“Chúng tôi cần phải trao đổi để đáp ứng nhu cầu của mình, trong đó có nhu cầu nhập khẩu đậu nành và lúa mì. Một phần trong thỏa thuận trao đổi (với Nga) sẽ bao gồm việc chuyển giao tên lửa, một phần khác liên quan tới việc cung cấp máy bay không người lái quân sự”, ông Ardestani nói.
Khi được hỏi liệu Iran có lo ngại quyết định gửi tên lửa đạn đạo tới Nga sẽ dẫn tới các lệnh trừng phạt tiếp theo, hoặc kích hoạt cơ chế tự động tái áp đặt các biện pháp trừng phạt trước đây đối với Tehran hay không, ông Ardestani nói: “Châu Âu đã bán vũ khí cho Ukraine, NATO cũng đã tiến vào Ukraine. Vậy thì tại sao chúng tôi không thể ủng hộ đồng minh của mình bằng cách gửi tên lửa và UAV cho Nga?”.
Moscow hiện chưa đưa ra bình luận nào liên quan. Tuy nhiên, theo WSJ, Nga đã bộc lộ rõ ràng mong muốn có được tên lửa Iran vào tháng 12 năm ngoái, khi một phái đoàn Nga tới khu vực huấn luyện ở Iran để thăm quan tên lửa đạn đạo và các thiết bị liên quan.
Sự kiện này diễn ra chỉ 3 tháng sau khi Tướng Sergei Shoigu – Bộ trưởng Quốc phòng Nga thời điểm đó – có chuyến thăm tới trụ sở của Lực lượng hàng không vũ trụ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tại Iran.
Trong chuyến thăm, ông Shoigu đã thị sát năng lực hoạt động của tên lửa tầm ngắn Ababil (hay Ababeel) và một số hệ thống tên lửa khác của Iran. Ông cũng có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Mohammad Bagheri - Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran, và nhấn mạnh rằng quan hệ Nga-Iran “đang đạt đến một tầm cao mới”.