Chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 101,16 theo ghi nhận lúc 6h45 (giờ Việt Nam), tăng 0,2% so với thời điểm này cuối tuần qua.
So với phiên trước đó, tỷ giá euro so với USD tăng 0,05%, đạt 1,1092. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,04% lên 1,3137. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,09% ở mức 142,44.
Theo Reuters, USD đã tăng trong phiên giao dịch đầy biến động cuối tuần trước sau khi dữ liệu việc làm tại Mỹ được ghi nhận tăng trưởng thấp hơn dự kiến vào tháng 8, cho thấy thị trường lao động đang chậm lại, phần nào hỗ trợ làm rõ kỳ vọng về kế hoạch nới lỏng trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngày 6/9, Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động nước này đã công bố bảng lương phi nông nghiệp tháng 8 với số lượng việc làm tăng 142.000 việc làm, thấp hơn con số được các nhà kinh tế do Reuters thăm dò (tăng 160.000 việc làm) và cao hơn con số báo cáo việc làm tháng 7 (tăng 114.000).
Đồng bạc xanh ban đầu giảm so với hầu hết các đồng tiền chính sau khi dữ liệu việc làm được công bố, sau đó đã nhanh chóng phục hồi nhờ tìm thấy sự lực hỗ trợ như một nơi trú ẩn an toàn khi cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác bị bán tháo vào thứ 6.
Theo dữ liệu của LSEG,nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính toàn cầu tại Anh, các nhà giao dịch hiện dự đoán 31% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất từ mức 5,25% - 5,50% xuống mức 4,75% - 5% tại cuộc họp ngày 17 - 18/9. Trước báo cáo việc làm, con số này là khoảng 43% với mức giảm kỳ vọng chỉ là 1/4 điểm.
Ông Karl Schamotta, chiến lược gia tại Corpay, cho rằng nền kinh tế Mỹ trong những tháng tới có nhiều khả năng sẽ kiệt quệ, khiến các quan chức Fed phải đưa ra phản ứng quyết liệt hơn.