Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương và UBND TP Cần Thơ ngày 31/8, Hội doanh nghiệp xăng dầu TP Cần Thơ cho biết, nửa tháng qua gần 20 đơn vị thành viên phải nhập xăng về bán mà chỉ được cắt lại hoa hồng 0 đồng từ các đầu mối.
Thậm chí, nhiều thương nhân phân phối phải chấp nhận nhập giá âm 1.000-3.000 đồng một lít xăng dầu từ các đơn vị có hàng gửi tại tổng kho Nhà Bè (TP HCM). Tức là, mỗi lít xăng dầu bán lẻ mua từ "kênh" này, cửa hàng phải chịu lỗ từ 1.000-3.000 đồng, chưa gồm các chi phí vận chuyển, nhân công, điện nước... Nhưng dù chấp nhận mua lỗ, nguồn hàng được cung ứng từ các đầu mối cũng rất nhỏ giọt.
Theo phản ánh của đơn vị bán lẻ, các đơn vị đầu mối xăng dầu lớn trên địa bàn chỉ đáp ứng nguồn hàng cho hệ thống trực thuộc. Còn cửa hàng bán lẻ không trong hệ thống, họ cấp hàng cầm chừng.
Chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Cần Thơ cho biết, nếu nguồn cung và chiết khấu không cải thiện, 5 cửa hàng xăng dầu của đơn vị sẽ không cầm cự qua kỳ nghỉ 2/9.
Tương tự, 24 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP HCM cũng gửi văn bản cầu cứu, nêu những nỗi khổ trong giai đoạn này.
Họ cho rằng, việc cơ quan quản lý buộc các cửa hàng bán lẻ tư nhân xăng dầu "lỗ liên tục mà không được đóng cửa, là chưa đúng định nghĩa về tự do kinh doanh".
"Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán hàng, bởi nếu không sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép", một trong 24 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu tại TP HCM chia sẻ.
Tại Sóc Trăng, ghi nhận của VnExpress cho thấy, khoảng 20 cửa hàng bán lẻ treo biển hết xăng hoặc dầu. Các chủ cửa hàng phản ánh do thiếu hụt nguồn cung, trong khi nhu cầu sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân, doanh nghiệp tăng, nên không đủ hàng bán.
Lãnh đạo Sở Công Thương Sóc Trăng nhận định, nếu các doanh nghiệp đầu mối không tăng sản lượng cung ứng cho thị trường Sóc Trăng, tình trạng khan hàng sẽ tiếp tục diễn ra do nhu cầu tiêu thụ sắp tới tăng cao.
Đại diện các doanh nghiệp xăng dầu tại TP HCM, Cần Thơ đề xuất Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả vào ngày thứ 7, Chủ nhật và nghỉ lễ, Tết. Việc này sẽ giúp giá trong nước không lệch pha quá lớn với thế giới.
Bộ cũng cần có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở. Việc này để đảm bảo thương nhân đầu mối không thua lỗ trong thời gian dài, gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến các thương nhân phân phối và hệ thống đại lý bán lẻ.
Ngoài giám sát các cửa hàng bán lẻ, doanh nghiệp đề nghị cơ quan quản lý cần thanh, kiểm tra việc ngưng bán hoặc bán nhỏ giọt cho thương nhân, đại lý bán lẻ... của các đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu. Bởi, nguồn cấp hàng ít khiến dẫn tới tình trạng khan hàng trên thị trường.
Những khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng được Tổ Điều hành thị trường trong nước nhận diện. Tại cuộc họp hôm nay, Tổ này đề nghị, Bộ Tài chính sớm rà soát việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh vừa qua.
Giải quyết được khó khăn này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, sẽ gỡ khó rất nhiều cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Tổ điều hành cũng đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan, tạo điều kiện thông quan cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, kịp thời cung ứng hàng cho thị trường.
Ông Trần Duy Đông cho biết, hiện hạn mức tín dụng dành cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu chỉ tương đương 50-70% lượng nhập khẩu do giá thế giới tăng cao. Vì thế, Tổ điều hành đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Hiện giá dầu trên thị trường thế giới đã lên mức cao nhất một tháng qua. Kết thúc phiên ngày 29/8, giá WTI tăng 4,24% so với một ngày trước đó. Giá dầu Brent cũng tăng gần 4%, lên 102,93 USD/thùng. Điều này khiến giá nhiên liệu trong nước chịu áp lực tăng trở lại trong kỳ điều hành tới.
Theo quy định, kỳ điều hành tới dự kiến vào ngày 5/9, thay vì ngày 1/9 do rơi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.