Ngày 16-6, thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong những năm gần đây liên tiếp có nhiều cán bộ kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc, xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk có 216 công chức (30% trên 50 tuổi), thiếu 111 công chức, tương đương mỗi một Hạt Kiểm lâm huyện thiếu từ 8-10 công chức so với nhu cầu thực tế quy định. Do đó, có những trường hợp một kiểm lâm phải kiêm nhiệm từ năm đến sáu xã với diện tích hàng chục ngàn ha rừng.
Cũng tại Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, từ năm 2016 đến nay có năm công chức xin nghỉ việc, 13 công chức xin chuyển công tác, 44 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi, ba công chức xin từ chức, xuống chức. 32 công chức kiểm lâm bị xử lý kỷ luật, 26 tập thể và 77 cá nhân bị phê bình.
Trong thời gian gần đây, tại Đắk Lắk xảy ra nhiều vụ phá rừng. Ảnh QN
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa cụ thể, địa bàn quản lý rộng lớn, địa hình phức tạp.
Ngoài ra, điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại khó khăn, thu nhập thấp, trách nhiệm cao trong khi rừng vẫn tiếp tục bị suy giảm, từ đó dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc, xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu.
Thời gian gần đây, nhiều sinh viên ra trường không muốn vào làm việc. Số lượng sinh viên theo học ngành Lâm nghiệp tại Trường Đại học Tây nguyên rất ít (dưới 10 học viên/chuyên ngành).
Thu nhập thấp và những khó khăn, bất cập khác khiến nhiều công chức ngành kiểm lâm xin nghỉ việc, nghỉ hưu sớm. Ảnh QN
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, những chủ rừng là Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và các đơn vị lực lượng vũ trang đang quản lý, bảo vệ rừng tương đối hiệu quả, diện tích rừng ít có biến động, suy giảm. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách chặt chẽ, kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước cơ bản đảm bảo, lương và chế độ cho người lao động tương đối ổn định.
Riêng đối với các nhóm chủ rừng còn lại, công tác quản lý, bảo vệ rừng triển khai chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng mất rừng, lấn chiếm đất rừng. Do bị hạn chế trong xử lý vi phạm lâm luật, khi phát hiện sai phạm, chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, ngăn chặn, lập biên bản và báo cáo với cơ quan chức năng.
Điều kiện làm việc với quyền hạn còn hạn chế, lực lượng mỏng, thu nhập chưa ổn định, không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống... chưa tạo được lòng tin, trách nhiệm của người lao động đối với nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, có khi đối mặt với nguy hiểm tới tính mạng của người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng.