Tại sự kiện giao lưu doanh nghiệp hai nước K-Innovation Delegation sáng 28/8, bà Oh Young-joo, Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa & nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc (MSS), đánh giá Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Hàn Quốc có số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hoạt động tại Việt Nam nhiều thứ hai sau Mỹ, bên cạnh những tập đoàn lớn như Samsung.
Từng là đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam trước khi trở thành Bộ trưởng MSS, bà Oh Young-joo cho biết đơn vị này xây dựng chiến lược toàn cầu hóa cho doanh nghiệp SME vào tháng 5 và Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chương trình.
"Tôi tin tưởng sự hợp tác giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam có thể diễn ra linh hoạt và hiệu quả hơn so với các quốc gia khác", bà nói.
Trong chuyến đi lần này, đoàn Hàn Quốc có 25 doanh nghiệp, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghệ, phát triển giải pháp, ứng dụng quản lý nhà máy thông minh, thành phố thông minh, y tế, giáo dục.
"Ngày càng nhiều công xưởng của thế giới tìm đến Việt Nam. Điều quan trọng là cần đổi mới sản xuất, tận dụng những công nghệ mới như AI, Bigdata vào các dây chuyền này", bà Young-joo nói, mong muốn doanh nghiệp Việt có thể hợp tác với đối tác Hàn để phát triển các lĩnh vực trên.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết doanh nghiệp SME luôn có vị trí đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của hai quốc gia. Tại Việt Nam, SME chiếm 98% trong tổng số gần 930.000 doanh nghiệp, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, ông Phương nhấn mạnh đây là lực lượng nòng cốt khai thác thị trường ngách, đồng thời khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, là cầu nối đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Hàn Quốc cũng được đánh giá có bề dày kinh nghiệm phát triển SME. "Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn có thương hiệu quốc tế của Hàn Quốc đều có quá trình trưởng thành từ một doanh nghiệp nhỏ và vừa", ông nói.
Nhấn mạnh sự phát triển và tiềm năng đầu tư của Việt Nam, ông Phương mong muốn doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực mà nước này có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu cao, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen, công nghiệp văn hóa - giải trí.
"Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động khai thác vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc để thúc đẩy phát triển kinh tế và các ngành công nghiệp, hấp thụ công nghệ tiên tiến, quản lý hiệu quả và phát triển chuỗi cung ứng", ông nói.
Trước đó, trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng 7 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Bộ Doanh nghiệp vừa & nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc cũng ký bản ghi nhớ hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.