Công nghệ

Ba người khiến ông Trump thay đổi quan điểm về Bitcoin

Ở một dãy phố nhộn nhịp và sáng đèn của Lower Broadway, Nashville (Mỹ), nơi các quán bar luôn tấp nập là Music City Center - khu vực đã tổ chức mọi loại sự kiện, từ hội nghị về bia đến buổi biểu diễn của huyền thoại Dolly Parton. Ngày 27/7, khu này chật kín khách vì một sự kiện mới: Hội nghị Bitcoin lớn nhất trong năm, và nhân vật chính là cựu tổng thống Donald Trump.

Cựu Tổn thống Mỹ Donald Trump trong sự kiện Bitcoin 2024 hôm 27/7. Ảnh: Reuters

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong sự kiện Bitcoin 2024 ngày 27/7 ở Nashville (Mỹ). Ảnh: Reuters

Gần 50 phút ở đó, ứng viên tổng thống Mỹ ca ngợi ưu điểm của Bitcoin và đưa ra những thứ cần làm nếu ông đắc cử lần nữa. "Nếu tiền số giúp xác định tương lai, tôi muốn nó được khai thác, đúc và sản xuất tại Mỹ", ông tuyên bố. "Chúng ta sẽ tạo ra nhiều điện đến mức bạn sẽ phải nói: Làm ơn, làm ơn đi Tổng thống, chúng tôi không muốn thêm điện nữa. Chúng tôi không chịu nổi!".

Bài phát biểu của Trump trái ngược so với cách đây hơn ba năm, khi ông nói tiền số là "trò lừa đảo". Ông tiết lộ chiến dịch của ông huy động được 25 triệu USD từ các quỹ liên quan đến tiền số, dù con số này chưa được xác minh về tính chính xác.

Để biến Trump thay đổi từ "người hoài nghi" thành "người truyền giáo" Bitcoin, CNBC dẫn nguồn tin riêng cho biết công lớn là nhờ một nhóm nhỏ người ủng hộ tiền số. Đặc biệt, có ba người ở Puerto Rico cố gắng thuyết phục Trump về giá trị của Bitcoin và khiến ông thay đổi ý định.

Ba người đó là Amanda Fabiano - "bà trùm" trong giới khai thác Bitcoin, Tracy Hoyos-López - một cựu công tố viên California và David Bailey - CEO BTC Inc, công ty truyền thông tổ chức hội nghị Bitcoin ở Nashville. Cả ba gặp nhau ở khu ngoại ô Guaynabo của San Juan, bắt đầu lập kế hoạch chinh phục Trump.

Bailey sau đó dành nhiều tháng trò chuyện với đội ngũ chiến dịch của Trump, trao đổi tài liệu, tin nhắn liên quan đến Bitcoin. Ông gặp cựu tổng thống tại Trump Tower ở Manhattan, chia sẻ việc ủng hộ chiến dịch tranh cử, cũng như nói về khai thác Bitcoin và lôi kéo cựu tổng thống đến sự kiện ở Nashville.

Hoyos-López, hàng xóm của Bailey, cũng muốn bằng mọi cách đưa ông Trump đến Nashville. Bà tình cờ có liên lạc của một người sẵn sàng giới thiệu nhóm với Donald Trump. Người còn lại, Amanda Fabiano, rất có uy tín ở lĩnh vực khai thác Bitcoin, là nhân tố quan trọng trong việc tạo dựng uy tín cho nhóm.

"Nếu không có Amanda, chúng tôi không thể thuyết phục rằng đây là một doanh nghiệp hợp pháp", Hoyos-López nói. "Cô ấy là nữ hoàng trong khai thác tiền số. Cô ấy có trong tay tất cả thợ đào".

Sau khi thành lập nhóm, việc đầu tiên, theo Fabiano, là "nghĩ về cách giải thích Bitcoin với ông Trump sao cho hợp lý". Trong mắt nhiều người, Bitcoin tiêu tốn năng lượng khổng lồ, trong khi chưa giúp ích gì cho nhân loại. Tuy nhiên, nhóm đã phác thảo một kế hoạch khai thác Bitcoin tại Mỹ, gồm việc các thợ đào dùng năng lượng tái tạo, tự sản xuất điện và cung cấp ngược lại cho người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Đầu tháng 6, Bailey bay đến New York để gặp Trump, nhưng không chia sẻ chi tiết về những gì đã nói trong cuộc họp. Sau đó, cựu tổng thống đồng ý tổ chức một buổi họp bàn tròn 90 phút tại một phòng trà nhỏ trong Mar-a-Lago Club ở Palm Beach, Florida, với thành phần tham gia là hơn 10 giám đốc có liên quan đến tiền số.

Nhưng để khiến Trump đồng ý dự sự kiện ở Nashville, nhóm hiểu rằng cần có một khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử đủ lớn và đủ sức thuyết phục. Mỗi người chi 500.000 USD cho một ủy ban gây quỹ sau đó. Bên cạnh đó, nhóm sẽ đưa ra các khoản chi hàng triệu USD cho chiến dịch. Bailey hứa quyên góp 100 triệu USD và 5 triệu phiếu bầu cho Trump.

Tại hội nghị bàn tròn ở Mar-a-Lago, lãnh đạo các công ty khai thác tiền số lớn nhất Mỹ đều có mặt, gồm Riot Platforms, Marathon Digital Holdings, TeraWulf và Core Scientific. Họ cùng cựu tổng thống thảo luận về sự thiếu hụt năng lượng của Mỹ, khai thác Bitcoin, AI và cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong giai đoạn này, Reuters cũng dẫn lời những người tham gia buổi gây quỹ của ông Trump tại San Francisco rằng cựu tổng thống Mỹ khẳng định mình là người ủng hộ nhiệt thành với tiền số. "Ông ấy tuyên bố sẽ là tổng thống tiền số", Trevor Traina, cựu đại sứ Mỹ tại Áo và là lãnh đạo ngành công nghệ tại San Francisco, cho biết.

Fabiano nói, sau sự kiện, Trump quan tâm tích cực đến việc "đào sâu và tìm hiểu về ngành công nghiệp này" và "tại sao chúng tôi không phải một nhóm tội phạm".

Nhưng Trump chưa đồng ý ngay. Hoyos-López nói nhóm chờ câu trả lời "trong đau đớn". Khoảng nửa tháng sau, cựu tổng thống đồng ý đến Nashville. "Khi đó, tôi đang ở Nhật Bản nhưng lập tức bay về, đến nhà Bailey và chuẩn bị những bộ vest tươm tất", Hoyos-López kể. "Đưa ứng viên tổng thống đến Hội nghị Bitcoin chắc chắn là điều tuyệt vời nhất tôi có thể làm trong đời".

Giai đoạn này, Donald Trump cũng lên mạng xã hội Trust Social viết về Bitcoin: "Tôi muốn tất cả số Bitcoin còn lại được tạo tại Mỹ. Nó sẽ giúp chúng ta thống trị về năng lượng", cựu tổng thống Mỹ viết ngày 12/6.

Bên lề Hội nghị Bitcoin ở Nashville, nhóm sắp xếp một hội nghị bàn tròn thứ hai với sự tham gia của nhiều lãnh đạo trong ngành, trong đó có anh em sinh đôi Tyler và Cameron Winklevoss, Giám đốc pháp lý sàn giao dịch Coinbase Paul Grewal hay CEO của Cantor Fitzgerald Howard Lutnick. Tại đây, Trump đeo cà vạt sọc xanh trắng và cài cờ Mỹ, tuyên bố "Nhà Trắng giữ lại 100% Bitcoin mà chính phủ Mỹ đang nắm giữ, hoặc mua lại trong tương lai", đồng thời cho biết sẽ sa thải Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ Gary Gensler nếu tái đắc cử.

"Toàn bộ ngành công nghiệp của chúng tôi sẽ không còn tồn tại nếu Trump không thắng cử", Hoyos-López nói, đồng thời cho biết đã cùng nhóm ăn mừng sau khi thuyết phục được Trump tham gia hội nghị.

(theo CNBC)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm