Tỉnh Quảng Bình hợp nhất với tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị
Theo Nghị quyết số 60 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong số 34 tỉnh, thành mới, có 11 tỉnh, thành được giữ nguyên, không thực hiện sáp nhập; 23 tỉnh, thành còn lại được sáp nhập từ 52 tỉnh, thành.
Theo đó, tỉnh Quảng Bình hợp nhất với tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Ngày 16/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức hội nghị triển khai một số nội dung liên quan việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, Tỉnh ủy Quảng Bình sẽ chủ trì, phối hợp với tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Chính phủ trước ngày 1/5.

Hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị họp bàn việc sáp nhập tỉnh (Ảnh: VGP/Lưu Hương)
Trước mắt, 2 tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo về sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị. Ban Chỉ đạo gồm 34 thành viên, do ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình làm Trưởng ban Chỉ đạo và ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đồng Trưởng ban.
Ban sẽ chỉ đạo xây dựng "Đề án sắp xếp, hợp nhất tỉnh Quảng Trị với tỉnh Quảng Bình" gắn với thành lập các cơ quan hành chính và hệ thống tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề như: Tổ chức cơ quan, đơn vị, cơ cấu lãnh đạo cơ quan; tổ chức bộ máy; biên chế cán bộ công chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp...
Đồng thời, các vấn đề vướng mắc, băn khoăn được đề cập tại cuộc họp như việc đi làm xa gia đình, ăn ở đi lại... sau khi hợp nhất. Từ đó, các đại biểu đề xuất có những hỗ trợ vấn đề đi lại, hỗ trợ nhà ở công vụ cho cán bộ làm việc tại Trung tâm hành chính của tỉnh mới.
Ông Lê Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, những băn khoăn lo lắng của cán bộ, công chức là chính đáng. Do đó, hai địa phương sẽ cùng bàn các giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề này, có chủ trương chung về nhà công vụ, cơ chế chính sách hỗ trợ cán bộ công chức làm việc xa gia đình...
Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh, hai tỉnh có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, con người và cùng chung khát vọng phát triển. Trên cơ sở nội dung của hội nghị này, Quảng Trị sẽ giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan để tập trung xây dựng hoàn thiện đề án theo đúng nguyên tắc, quy định của Trung ương.
Tỉnh Quảng Trị sau hợp nhất có quy mô kinh tế trên 100.000 tỷ đồng
Tỉnh Quảng Trị nằm ở cửa ngõ quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), có vị trí đầu mối để thu hút đầu tư, thu hút du lịch các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), đặc biệt là các nước trên EWEC và các nước thứ 3 vào miền Trung Việt Nam. Theo số liệu của Cục Thống kê, Quảng Trị có diện tích trên 4.700 km2, dân số trung bình trên 654.000 người.
Về kinh tế, theo Chi cục Thống kê tỉnh, tổng sản phẩm địa bàn - GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 53.508 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 81,2 triệu đồng, tăng 9,14% so với năm 2023.
Tăng trưởng GRDP (theo giá so sánh) ước tăng 5,97% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến hết năm 2024 là trên 4.703 tỷ đồng, đạt 121% dự toán địa phương, bằng 123% cùng kỳ năm 2023.
Tỉnh Quảng Bình thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, giáp tỉnh Hà Tĩnh về phía Bắc, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Đông giáp biển. Theo số liệu của Cục Thống kê, Quảng Bình có diện tích trên 7.998 km2, dân số trung bình trên 918.000 người.
Về kinh tế, theo Chi cục Thống kê tỉnh, quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 đạt trên 60.179 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 65,1 triệu đồng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,18%, trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng mạnh nhất, với 9,7%. Tổng thu ngân sách Nhà nước tại địa bàn ước tính thực hiện hơn 6.960 tỷ đồng, vượt 14,7% so với dự toán địa phương giao và tăng 24,1% so với cùng kỳ.
Như vậy, tỉnh Quảng Trị sau khi hợp nhất có quy mô kinh tế là 113.687 tỷ đồng, diện tích gần 12.700 km2 và quy mô dân số gần 1,6 triệu người.