Doanh nghiệp

Hai Phó tổng giám đốc mới của Vietnam Airlines là ai?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) đã công bố quyết định bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc là Lê Đức Cảnh, Trưởng ban Đầu tư - Mua sắm Vietnam Airlines và ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Chi nhánh Vietnam Airlines khu vực miền Nam. Nhiệm kỳ của 2 phó tổng giám đốc là 4 năm, kể từ 1/5.

Ông Lê Đức Cảnh sinh năm 1972, học vị thạc sĩ. Ngoài là Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Cảnh còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội bài (Nasco - NAS). Nasco là công ty con của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu của hãng hàng không quốc gia tại doanh nghiệp này là 51%.

Ông Cảnh đã làm việc trong ngành 25 năm và trải qua nhiều vị trí ở hãng hàng không quốc gia. Trên cương vị mới, ông Cảnh được giao phụ trách công tác tài chính, đầu tư, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến sân bay Long Thành.

Hai Phó tổng giám đốc mới của Vietnam Airlines là ai? - 1

Ông Nguyễn Thế Bảo là một trong hai Phó tổng giám đốc mới được bổ nhiệm của Vietnam Airlines

Còn ông Nguyễn Thế Bảo sinh năm 1973, hiện là Giám đốc chi nhánh Vietnam Airlines khu vực phía Nam. Sau khi được bổ nhiệm vào vị trí mới, ông Bảo có trách nhiệm lãnh đạo 3 chi nhánh sau sáp nhập của doanh nghiệp này.

Ngoài ra ông Nguyễn Thế Bảo cũng đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV suất ăn hàng không Việt Nam (VACS). Hiện ông Bảo đang nắm giữ 27.068 cổ phiếu HVN, tính theo giá thị trường khối tài sản của ông Bảo tương đương hơn 580 triệu đồng.

Như vậy, Vietnam Airlines sẽ có tổng cộng 8 phó tổng giám đốc, bao gồm 6 người được bổ nhiệm từ trước là ông Trịnh Hồng Quang, ông Trịnh Ngọc Thành, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, ông Nguyễn Chiến Thắng, ông Tô Ngọc Giang và ông Đinh Văn Tuấn. Trong khi đó, ông Lê Hồng Hà hiện giữ chức Tổng giám đốc của Vietnam Airlines.

Theo báo cáo tài chính năm 2021, doanh thu của hãng hàng không quốc gia đạt 28.093 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế âm 13.338 tỷ đồng, giảm 20%.

Kết quả trên khiến lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán của hãng tại thời điểm 31/12/2021 ghi nhận âm 21.979 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tiệm cận vốn góp của chủ sở hữu là 22.144 tỷ đồng.

Thực tế, việc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn còn dương 507 tỷ đồng nhờ được Quốc hội thông qua gói giải cứu 12.000 tỷ đồng. Cụ thể, công ty thực hiện đợt tăng vốn 7.961 tỷ đồng trong tháng 9/2021, riêng SCIC nộp tiền mua cổ phần khoảng 6.880 tỷ đồng.

Sau phương án trên thì Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 55,2% vốn, tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần và Tập đoàn ANA là 5,62%. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đồng ý cấp gói hỗ trợ tín dụng tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines với lãi suất 0%.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt hơn 63.000 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 14.374 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với đầu năm, vay dài hạn 20.424 tỷ đồng, giảm hơn 2.400 tỷ so với đầu năm 2021.

Vietnam Airlines đã lên kế hoạch nối lại đường bay quốc tế đến 15 quốc gia, vùng lãnh thổ trong nửa đầu năm nay khi tình hình dịch bệnh diễn biến tích cực. Đồng thời, nguồn thu nội địa từ dịp lễ 30/4, 1/5 và cao điểm hè cũng sẽ góp phần giúp hãng cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, năm 2021, Nasco ghi nhận doanh thu thuần đạt 251 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2020. Sau khi trừ đi các chi phí, doanh nghiệp lỗ hơn 137 tỷ đồng, và là năm thứ hai thua lỗ liên tiếp (năm 2020 lỗ 319 triệu đồng).

Đáng chú ý, kiểm toán viên đưa ra ý kiến nhấn mạnh về các khoản nợ ngắn hạn của Nasco tại thời điểm cuối năm 2021 đã vượt quá tài sản ngắn hạn gần 27 tỷ đồng. Đồng thời, năm 2021 khoản lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh, lỗ ròng lần lượt là 128 tỷ đồng và 92 tỷ đồng dẫn đến lỗ lũy kế tới ngày 31/12/2021 hơn 85 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Chia sẻ
Theo Trung Kiên (Dân Việt)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm