Doanh nghiệp

HAGL Agrico 9 tháng lỗ hơn 1.000 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, doanh thu của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HNG) giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 191 tỷ đồng. Do giá vốn bán hàng vẫn ở mức cao gần bằng năm ngoái, nên công ty ghi nhận khoản lỗ gộp 182 tỷ đồng, tăng gấp hơn chục lần cùng kỳ 2021.

Sau khi trừ các chi phí, HAGL Agrico lỗ ròng hơn 415 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty này lỗ khoảng 1.085 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái.

HAGL Agrico lý giải thua lỗ bởi nhiều yếu tố kết hợp như tình trạng thiếu lao động tại Lào khiến sản lượng thu hoạch giảm 35% so với quý III/2021. Các chi phí mua phân bón, vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói cũng tăng mạnh. Đồng thời, bão Noru số 4 hồi cuối tháng 9 gây mưa to, gió lớn tại các tỉnh Nam Lào làm các vườn cây bị đổ, ngập lụt các dự án của Công ty TNHH phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu khiến công ty thiệt hại 237 tỷ đồng, trong đó tiền khắc phục vườn cây hết 174 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng bị lỗ bởi chênh lệch tỷ giá. Theo HAGL Agrico, tại ngày 30/9, so với quý II năm ngoái, tỷ giá đồng kip của Lào tiếp tục mất giá 10% so với USD và giảm 5% so với tiền đồng, nên công ty hạch toán lỗ chênh lệch tỷ giá 141,7 tỷ đồng.

Đến ngày 30/9, lợi nhuận chưa phân phối sau thuế của HAGL Agrico âm hơn 4.512 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng cổ phiếu HNG vẫn nằm trong diện cảnh báo, HAGL Agrico cho biết đã thực hiện chiến lược đầu tư, sản xuất nông nghiệp cho giai đoạn 2022-2023 nhằm tạo ra lợi nhuận, từng bước giảm lỗ.

Theo đó, công ty sẽ nâng cấp, cải tạo vườn cây ăn trái phù hợp quy hoạch, tiếp tục chuyển đổi vườn cây ăn trái, cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa, xoài và chăn nuôi bò... Đồng thời, HAGL Agrico cũng đang chuyển đổi đồng tiền hạch toán tại các công ty con sang sử dụng thống nhất một loại tiền tệ quốc tế, nhằm giảm ảnh hưởng bởi chênh lệch tỷ giá - yếu tố góp phần gây lỗ lớn cho doanh nghiệp các năm qua.

Đến hết quý III, tổng tài sản của HAGL Agrico giảm gần 2.500 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn 11.535 tỷ đồng. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả vốn chủ sở hữu hơn 2.200 tỷ (giảm hơn 60%) và hơn 9.300 tỷ đồng nợ phải trả (tăng 16%). Trong đó, nợ dài hạn giảm 35% còn trên 2.000 tỷ, nợ ngắn hạn tăng 46% so với đầu năm lên hơn 7.250 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm