Doanh nghiệp

CEO Cốc Cốc: “Đừng bắt buộc người Việt phải dùng hàng Việt, sản phẩm phải mang lại giá trị"

Ra mắt chính thức vào năm 2013, trình duyệt tìm kiếm Cốc Cốc từng gây chú ý bởi những tính năng đặc biệt chỉ dành riêng cho người Việt. Theo thống kê từ Decision Lab và Statcounter, Cốc Cốc đứng thứ 2 tại Việt Nam về thị phần trình duyệt và công cụ tìm kiếm. Hiện nay, Cốc Cốc có trên 25 triệu người dùng trên nền tảng máy tính và di động.

Xác định thị trường hướng đến duy nhất ở thời điểm hiện tại là Việt Nam, Cốc Cốc đã cung cấp những công cụ dành riêng cho người Việt để khai thác thế giới số như tự động bắt đường link tải, dịch sang tiếng Việt ngay trên website, lưu video/âm thanh nhanh chóng… Bên cạnh đó, Cốc Cốc cũng hỗ trợ tính năng chặn quảng cáo, bảo mật thông tin (việc mà ông lớn Google sẽ khó có thể triển khai rộng rãi vì quảng cáo trực tuyến chính là nguồn doanh thu “khủng” của Google).

Dài hơi hơn, CEO cho biết Cốc Cốc đang xây dựng một hệ sinh thái cho riêng mình. Lấy người dùng là trọng tâm, Cốc Cốc sẽ dựa vào dữ liệu để hiểu khách hàng và phát triển những sản phẩm có tính năng đề xuất, giới thiệu nội dung phù hợp với nhu cầu cho từng người.

Quý 4/2022, Cốc Cốc dự kiến cho ra mắt ví Crypto để hỗ trợ người dùng. Tính năng này sẽ đưa người Việt dễ dàng tiếp cận với Web 3.0 hay tài sản số. Bởi, theo một báo cáo, Việt Nam là nước có tỷ lệ người dân chấp nhận tiền ảo cao nhất trên toàn cầu.

“Ý tưởng có thể có rất nhiều nhưng quan trọng là cái gì đã thành công và họ đã triển khai như thế nào để thành công . Cốc Cốc sẽ là một môi trường sẵn sàng thử, nghiên cứu xem thế giới có những cái nào phù hợp với người Việt Nam và sau đó sẽ thử rất nhanh để xem nó có phù hợp hay không. Ở đây, quan trọng là tiến độ để đổi mới sáng tạo” , ông Vũ nói thêm.

Hiện, chưa có đến 10 trình duyệt tìm kiếm cạnh tranh với Google trên thế giới. Nếu như ở Hàn Quốc có Naver, Nga có công cụ Yandex, Trung Quốc nổi tiếng với Baidu thì đại diện của Việt Nam là trình duyệt Cốc Cốc. Phương châm Công ty theo đó là: Nếu không thể cạnh tranh về mặt tài chính với những gã khổng lồ công nghệ thì Cốc Cốc có thể cạnh tranh bởi sự phù hợp với thị trường Việt Nam.

Dù vậy, thực tế đã có giai đoạn rất khó khăn với Cốc Cốc. Nhứng năm 2016 – 2019, dù doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, Cốc Cốc lại liên tục thua lỗ.

Tính đến cuối năm 2019, Cốc Cốc chỉ đạt 98 tỷ lãi gộp - giảm 18% so với năm 2018, hiệu suất cũng đi lùi với mức biên chỉ còn 47%. Liên tục thua lỗ, vốn chủ sở hữu của Cốc Cốc đang âm 62 tỷ, tổng tài sản cũng giảm 13% xuống còn 95 tỷ đồng. Vốn điều lệ đi ngang tại mức 364 tỷ. Không chỉ vậy, những người sáng lập cũng từng được đồn đoán lần lượt rời bỏ dự án lớn của mình.

Bà Đào Thu Phương - Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc – cũng thừa nhận cạnh tranh với Google là việc rất khó, do đó bên cạnh việc tiếp tục phát triển mảng trình duyệt và tìm kiếm, công ty sẽ nghiên cứu và phát triển thêm các tính năng mới, hướng vào nhóm người dùng tại các thành phố nhỏ và vùng nông thôn.

Sang năm 2020, Cốc Cốc bất ngờ công bố chỉ số khả quan, với doanh thu và lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục kể từ khi thành lập, lần lượt đạt 235 và 30 tỷ đồng. Đây là năm thứ 2 Cốc Cốc kinh doanh có lãi sau lần đầu tiên vào năm 2017 - với mức lợi nhuận 16 tỷ đồng.

CEO Cốc Cốc: “Đừng bắt buộc người Việt phải dùng hàng Việt, sản phẩm phải mang lại giá trị - Ảnh 1.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm