Bất động sản

Hà Nội và TP. HCM nằm trong top 5 thành phố người dân khó mua nhà nhất châu Á

Trong báo cáo mới đây, CBRE cho biết, giá căn hộ tại Hà Nội ở mức 2.600 USD/m2 (khoảng 66 triệu đồng/m2 đã gồm VAT, phí bảo trì). Còn GDP bình quân đầu người của Hà Nội là khoảng 6.300 USD.

Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của TP. HCM cao hơn Hà Nội, đạt khoảng 7.500 USD. Giá căn hộ tại TP. HCM cũng nhỉnh hơn, ở mức 2.800 USD (khoảng 71 triệu đồng/m2).

Như vậy, tỷ lệ giữa thu nhập bình quân đầu người và đơn giá căn hộ theo m2 tại Hà Nội và TP. HCM lần lượt là 2,4 và 2,7.

Hà Nội và TP. HCM vượt Singapore, đứng top đầu châu Á về chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động

Hà Nội và TP. HCM vượt Singapore, đứng top đầu châu Á về chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động

Theo Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, mức chênh này càng thấp cho thấy người dân thành phố đó càng khó mua nhà.

Dữ liệu cũng cho thấy, người dân sống tại Hong Kong khó mua nhà nhất với tỷ lệ khoảng 1,7. Xếp sau Hong Kong là Manila (Philippines) và Seoul (Hàn Quốc) vào khoảng 2,3. Hà Nội và TP. HCM chỉ xếp sau những thành phố này.

Bà An lấy ví dụ, Kuala Lumpur có giá căn hộ trung bình ngang với Hà Nội (khoảng 66 triệu đồng mỗi m2 đã gồm thuế, phí bảo trì), nhưng thu nhập bình quân đầu người tại thành phố này đạt 28.000 USD, gấp hơn 4 lần Thủ đô nước ta. “Điều này cho thấy khả năng mua căn hộ của người dân Kuala Lumpur cao hơn Hà Nội”, bà An nói.

Năm 2023, kênh thông tin Batdongsan.com.vn đã công bố thông tin giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội đạt 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố; 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự; 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng và 3,1 tỷ đồng/căn đối với chung cư". Thu nhập bình quân của người lao động ở Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Như vậy, để sở hữu một căn nhà mặt phố tại Hà Nội, người dân thủ đô cần "cày cuốc" 169 năm, muốn sở hữu nhà riêng thì cần 132 năm, còn mua căn hộ chung cư mất 23 năm (với giả thiết người lao động dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà).

Theo kênh này, Hà Nội đứng hàng đầu Đông Nam Á về chênh lệch giá nhà và thu nhập bình quân của người lao động. Từ năm 2018 đến 2021, tỷ lệ này không ngừng tăng, vượt cả Singapore. Giá căn hộ sơ cấp Singapore năm 2020 tương đương 15,4 năm thu nhập bình quân hộ gia đình, theo dữ liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Statista. Còn tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan, chỉ số này có dấu hiệu giảm.

Trên thực tế, phân tích về mức độ tăng giá nhà tại Việt Nam, báo cáo của Savills cũng chỉ rõ, tại TP. HCM, nguồn cung căn hộ dưới 3 tỷ đang ngày càng hạn chế (chiếm 18% nguồn cung sơ cấp nửa đầu năm), chủ yếu nằm cách trung tâm thành phố trên 10 km.

Thống kê trên nền tảng Nhà Tốt vào tháng 7 cho thấy giá rao bán bình quân của một căn hộ ở hàng loạt địa phương như quận 1, 3, 4, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Phú, Thành phố Thủ Đức đều trên 3 tỷ đồng. Trong khi đó, giá bình quân quận 5, Nhà Bè cũng xấp xỉ gần 3 tỷ. Muốn có nhiều lựa chọn với phân khúc nhà dưới 3 tỷ, người mua cần tìm đến quận 8, Bình Chánh, Gò Vấp.

Còn tại thị trường Hà Nội, số liệu của Savills ghi nhận, trong quý 2/2024 không có nguồn cung mới nào dưới 45 triệu đồng/m2. Kể từ năm 2020, nguồn cung sơ cấp Hạng C đã giảm 45% mỗi năm. 

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) từng nói rằng: "Nếu ở các nước, bình quân giá nhà chỉ gấp hơn 5 lần thu nhập của người dân thì ở Việt Nam con số lên tới 20 - 25 lần. Đó là nghịch lý và cũng là bi kịch”.

Ông cũng cảnh báo 5 - 10 năm nữa, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng số người dân không có nhà tăng lên chóng mặt, trong khi quỹ đất, thu nhập có giới hạn…

Cùng chuyên mục

Đọc thêm