Thời sự

Hà Nội sẽ có 18 cây cầu bắc qua sông Hồng

Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ đô Hà Nội đang có 8 cầu qua sông Hồng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang. Trong số này có 6 cây cầu ở các quận nội thành Hà Nội. Theo Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 cây cầu đáp ứng nhu cầu giao thông của Thủ đô cũng như kết nối giao thông liên vùng.

Cụ thể, 10 cây cầu sẽ được xây dựng thêm là: cầu Vân Phúc; cầu Hồng Hà; cầu Thượng Cát; cầu Thăng Long mới; cầu Tứ Liên; cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2); cầu Mễ Sở; cầu Trần Hưng Đạo; cầu Phú Xuyên; cầu Ngọc Hồi. Đến nay, trong số 10 cây cầu mới, Hà Nội đã khởi công cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) vào tháng 1/2021. Tổng mức đầu tư cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) là 2.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 và kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển các khu đô thị khu vực phía bắc sông Hồng.

Hà Nội sẽ có 18 cây cầu bắc qua sông Hồng - 1

Phối cảnh phần kết nối cầu Trần Hưng Đạo với hạ tầng giao thông khu vực phía quận Long Biên

Ngoài cầu Trần Hưng Đạo, cuối tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc xây dựng cầu Mễ Sở vượt sông Hồng. Dự án có chiều dài khoảng 13,8km, chiều rộng là 17m với tổng mức đầu tư khoảng 4.881 tỷ đồng. Điểm đầu dự án là nút giao quốc lộ 1 với đường Vành đai 4 thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội). Điểm cuối là nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường Vành đai 4, thuộc huyện Văn Giang (Hưng Yên).

Cũng theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cầu Hồng Hà nối huyện Đan Phượng với huyện Mê Linh nằm trên trục đường Vành đai 4 dài 6km, lộ trình triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai. Cầu Vân Phúc dài 4km, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030. Cầu Vân Phúc nối trục Bắc - Nam (tại huyện Phúc Thọ) với tỉnh Vĩnh Phúc.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ phối hợp TP Hà Nội xây dựng cầu Vân Phúc với chiều dài cầu khoảng 3km, rộng 20,5m. Các cầu còn lại gồm cầu Phú Xuyên dài 5km, dự kiến triển khai giai đoạn 2020 - 2025; cầu Ngọc Hồi dài 4km, làm trong giai đoạn 2025 - 2030 và cầu Thăng Long mới dài 2km, dự kiến xây dựng sau năm 2020. Dự án cầu Thượng Cát cũng được dự kiến triển khai trong giai đoạn 2022 - 2026. Cầu Thượng Cát nằm trên trục Vành đai 3,5, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh.

Đáng chú ý, dự án cầu Tứ Liên, cây cầu dài bậc nhất bắc qua sông Hồng (dài 3km) được kỳ vọng sẽ tạo nên trục phát triển mới kết nối từ trung tâm Thủ đô tới Đông Anh và sân bay quốc tế Nội Bài, mở ra cơ hội phát triển về hạ tầng đô thị, bất động sản, thương mại không chỉ cho khu vực Tây Hồ - Đông Anh mà cả khu vực các tỉnh phía Bắc Thủ đô. Đầu tháng 6/2020, phương án kiến trúc cầu Tứ Liên đã được UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt và thông qua.

Theo phương án thiết kế, cầu Tứ Liên có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ – Nghi Tàm thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ với bờ Đông sông Hồng thuộc địa phận huyện Đông Anh. Trong đó, bờ phía Tây hiện là tuyến đường có lưu lượng giao thông rất cao do đang là đường vành đai chính kết nối đầu cầu Nhật Tân với cầu Long Biên, Chương Dương.

Việc hình thành cầu Tứ Liên sẽ giúp giải tỏa tình trạng ách tắc giao thông cho tuyến đê Âu Cơ – Nghi Tàm và các tuyến đường từ nội thành lên các tỉnh phía Bắc; đồng thời, người dân và nhà đầu tư cũng có thêm lựa chọn, kết nối dễ dàng với sân bay quốc tế Nội Bài từ trung tâm Hà Nội, bên cạnh 2 tuyến đường cũ là cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân. Mặc dù chưa khởi công nhưng hàng loạt “ông lớn” bất động sản đã triển khai nhiều dự án “đón” cây cầu này.

Cầu Trần Hưng Đạo mang ý nghĩa “Hà Nội không giới hạn”

Theo phương án được UBNTP Hà Nội lựa chọn, cầu Trần Hưng Đạo sẽ có kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau, lập lại 6 nhịp, tạo biểu tượng về không gian và thời gian. Phương án này đoạt giải nhất cuộc thi tuyển chọn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2021.

Cầu Trần Hưng Đạo có dạng cầu vòm thép, mang ý nghĩa "Hà Nội không giới hạn". Thiết kế này được lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa Hà Nội cổ kính và hiện đại hai bên bờ sông Hồng thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên những vòng kết nối vô tận. Cầu chính dài 900m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.

Cầu gồm hai chiều, mỗi chiều hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Ngoài ra, các khoảng không được tận dụng bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm. Phần đường dành cho người đi bộ nằm ngoài vành vòm. Đầu cầu có đường lên xuống cho người đi bộ. Trụ cầu có các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.

Dự kiến, công trình được thực hiện trong hơn 3 năm, hoàn thành vào quý II/2025. Tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng.Trước đó tháng 8/2021, Hội đồng tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng ba phương án kiến trúc cầu do TEDI (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải) nghiên cứu. Tuy nhiên, cả ba phương án gây ý kiến trái chiều.

Tháng 10/2021, UBND TP Hà Nội giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm