Thời sự

Hà Nội: Phá kho hàng thời trang nhái nhãn hiệu nổi tiếng, chuyên "chốt đơn" qua livestream

Theo thông tin từ Cục quản lý thị trường Hà Nội, vừa qua Đội QLTT số 11 phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại số 1, Khu nhà dân cư mới, tổ 5, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội và đã phát hiện trên 250 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Zara… giá trị hàng hóa trên 150 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng là Đ.T.L.H (trú số 1, Khu nhà dân cư mới, Tổ 5, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) thừa nhận, số hàng hóa trên H nhập trôi nổi trên thị trường, hàng không rõ nguồn gốc và giá trên sản phẩm là tự H dán vào để phục vụ cho việc bán online.

Hà Nội: Phát hiện nhiều sản phẩm nhái nhãn hiệu nổi tiếng được bán qua livestream, online - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra kho hàng.

Trước đó, một số đối tượng cũng đã sử dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội làm nơi kinh doanh để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, sau đó, mặc sức "quảng cáo", "thổi giá" và bán các sản phẩm thời trang "nhái" nhãn hiệu nổi tiếng với mức giá "trên trời" cho người tiêu dùng.

Khi livestream, đối tượng thể hiện chốt đơn bán hàng liên tục, khẳng định các sản phẩm thời trang "hàng hiệu" của mình là chất lượng cùng với mức giá cao nhưng luôn rẻ hơn giá trên thị trường hòng khiến người xem tin vào lời quảng cáo của mình.

Tuy nhiên, sự thực khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì toàn bộ lại là hàng nhập trôi nổi trên thị trường.

Hà Nội: Phát hiện nhiều sản phẩm nhái nhãn hiệu nổi tiếng được bán qua livestream, online - Ảnh 2.

Hàng hóa tại nhà riêng của Đ.T.L.H có dấu hiệu là hàng giả, thậm chí có cả hàng lậu.

Ông Trần Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, khi phát hiện thì hàng hóa tại nhà riêng của H có dấu hiệu là hàng giả, thậm chí có cả hàng lậu.

"H bán hàng ở nhà riêng trên tầng 4, tại thời điểm kiểm tra, H sử dụng livestream để bán hàng, hàng để rải rác ở các tầng. Rất là tinh vi khi H livestream bán hàng ở nhà riêng. Đối với trường hợp này chúng tôi đã xử lý nghiêm. Hiện nay, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội thì Cục quản lý thị trường Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch tăng cường chống gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng vào thương mại điện tử để giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ" – ông Trần Việt Hùng nhấn mạnh.

Qua vụ việc trên, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo, hiện nay, để lấy lòng tin của người tiêu dùng, các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội, sau đó, lập các tài khoản ảo, giả vờ mua hàng để chốt đơn, nhằm tạo hiệu ứng cho đám đông. Khi đã chiếm được niềm tin của người mua, sẽ bắt đầu trà trộn, buôn bán các sản phẩm hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng, lừa đảo người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua hàng, chỉ nên mua tại cơ sở uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm