Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn và đại diện các sở, ban, ngành, UBND 2 quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm vừa có buổi kiểm tra dự án đầu tư Công viên hồ điều hòa CV1; Dự án đầu tư Công viên và hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng khu phía Nam nghĩa trang Mai Dịch; Công viên Thủ lệ (Vườn thú Hà Nội).
Tại công viên Thủ Lệ, ông Tuấn cho rằng Thủ Lệ như đảo giao thông, bốn mặt đều giáp đường nên phải nghiên cứu kỹ, "không thể mở toang". Ví dụ khu vực giáp nhà ga S8 (ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) sẽ mở, khu vườn thú và giáp làng Thủ Lệ phải đóng.
Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung nguồn đầu tư công để cải tạo, tái thiết công viên Thủ Lệ. Ông Tuấn giao các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương cải tạo Thủ Lệ và hai công viên Thống Nhất, Bách Thảo để trình HĐND thành phố trong kỳ họp chuyên đề tháng 3, hoặc muộn nhất là kỳ họp tháng 6.
Việc mở một phần rào công viên Thủ Lệ sẽ giúp người dân, du khách tiếp cận công viên dễ dàng hơn. Ảnh: Trần Hoàng
Về các dự án đầu tư riêng (bãi đỗ xe ngầm, khu dịch vụ), Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu triển khai đồng bộ, không tách thành chủ trương đầu tư riêng.
Trước đó cuối năm 2022, thực hiện chủ trương công viên mở, thành phố đã cho tháo đoạn rào công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông để kết nối không gian đi bộ quanh hồ Thiền Quang.
Năm 2023, Hà Nội dự kiến đưa vào hoạt động ba công viên mới, gồm: Thiên Văn Học, hồ điều hòa Bắc - Nam Mai Dịch và hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy. Các quận dự kiến cải tạo, hoàn thành 8 vườn hoa, công viên gồm: Lê Trực, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, công viên Thành Công (Ba Đình); Lý Tự Trọng, Mai Xuân Thưởng (Tây Hồ); Bắc Linh Đàm (Hoàng Mai) và Ngọc Lâm (Long Biên).