"Thị trường bất động sản đang rất khó khăn. 2022 là năm mà khó khăn đó có thể nói là khắc nghiệt nhất đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng. Năm 2023 là bản lề, mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản", ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) phát biểu tại tọa đàm “ Nghị quyết 01 – đột phá hỗ trợ doanh nghiệp ” do báo Người Lao Động tổ chức.
Vị lãnh đạo này đánh giá bất động sản là ngành quan trọng nhất trong nhóm 21 ngành của nền kinh tế. Bất động sản phát triển ổn định sẽ có lợi cho các ngành khác.
Tuy nhiên, từ tháng 4/2022 tới nay bất động sản rơi vào thế khó, với lượng giao dịch trên thị trường giảm dần. Theo ông Châu, năm 2017 thị trường bất động sản có 42.991 sản phẩm được tung ra, sau đó con số này giảm mạnh qua từng năm xuống còn 28.000, 23.000 và 16.894 sản phẩm lần lượt vào các năm 2018, 2019 và 2020. Đến năm 2021, chỉ 13.849 sản phẩm được bán ra và năm 2022 là 12.100 sản phẩm.
Ông Châu cho biết tình trạng này là do thiếu dự án, mà nguyên nhân chính là vướng mắc pháp lý. Vấn đề này chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản.
"Ở các nước đa phần là nhà ở vừa túi tiền, trung cấp, còn nhà cao cấp siêu sang đếm trên đầu ngón tay. Nhưng tại Việt Nam con số này lại khác. Tỷ lệ nhà ở vừa túi tiền giảm dần và ngày càng biến mất, trong khi nhà cao cấp lại áp đảo. Nhà ở xã hội dù kế hoạch 5 năm qua đã có mà vẫn thiếu trầm trọng", Chủ tịch HoREA nêu thực trạng.
"Hiện nay chúng tôi cũng đang lo về nguy cơ thôn tính dự án bất động sản. Nên mong Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vận dụng Nghị quyết 14 hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân", ông nói thêm.
Chính phủ đã có loạt động thái hỗ trợ như việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc cho bất động sản. NHNN cũng có nhiều thông tư tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Châu tỏ ra lo ngại về nguồn vốn vay sắp tới. Từ ngày 1/10/2022, theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đến 1/10/2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%.
"Do đó, kiến nghị NHNN cho giãn thêm thời gian. Nếu tỷ lệ này xuống còn 30%, có nghĩa là các ngân hàng thương mại sử dụng 100 đồng chỉ còn 30 đồng cho bất động sản. Như vậy, nguồn lực cho vay ngày càng ít đi trong khi các doanh nghiệp đang kiệt quệ", ông Châu nêu quan điểm.
Ông còn đề nghị cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp . Mục tiêu là năm 2023 sẽ giải quyết 26.000 sổ hồng cho người dân. Về phía doanh nghiệp, ông thừa nhận họ cũng cần tự vận động, nỗ lực và nhìn lại chính mình.
"Phải chủ động tái cơ cấu sản phẩm, giảm giá bán. Có doanh nghiệp giảm 40-50%, nhưng chúng tôi cũng yêu cầu họ giảm thực chất chứ không nâng lên rồi giảm giá", ông nói.
Tại buổi tọa đàm, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng nhấn mạnh thị trường bất động sản có vai trò lớn và tiềm năng lớn của nền kinh tế. Theo ông, diễn biến trên thị trường vừa qua “chỉ là sự cố có tính chất kỹ thuật, tạm thời”.
"Khôi phục thị trường bất động sản là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút dòng tiền trở lại thị trường, trước hết phải giải quyết các vấn đề về thể chế và pháp lý, thủ tục hành chính".
"Cũng cần nói thêm, quá trình khôi phục thị trường bất động sản sẽ là quá trình sàng lọc rất đau đớn. Sẽ có những doanh nghiệp buộc phải rời thị trường, có những doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Nguồn vốn ngân hàng phải tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan trọng là sự minh bạch của thị trường bất động sản sẽ dẫn dắt dòng vốn đầu tư vào thị trường này", ông Lộc phát biểu.