Năm 2022 đã qua đi với nhiều khó khăn thách thức đến từ trong và ngoài nước như lạm phát, xu hướng tăng lãi suất hay tổng cầu giảm.
Tuy nhiên theo các chuyên gia đó chỉ là những diễn biến trước mắt, còn về dài hạn với đà tăng trưởng tốt hơn 8% của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cộng với các yếu tố thuận lợi khác đến từ bên ngoài như nền kinh tế Trung Quốc đã mở cửa trở lại, sẽ giúp hỗ trợ tích cực hơn cho kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam trong năm 2023 nói riêng.
Bên cạnh đó giới chuyên gia cũng đánh giá việc thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh trong năm 2022 và chỉ số VN-Index đã giảm trên 32% so với cuối năm 2021 cũng khiến cho nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh tốt đang có mức giá hấp dẫn. Các chuyên gia cũng đánh giá những khó khăn nhất cũng dần qua đi, bước sang năm Quý Mão 2023 thị trường sẽ có những phục hồi trở lại.
Tại Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) và ông Ngô Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ FPT (FPT Capital) đã có những chia sẻ về những thách thức cũng như cơ hội đối với thị trường.
Theo ông Long, trên thị trường quốc tế năm 2022 ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã tăng lãi suất điều hành 7 lần trong năm, trong đó có nhiều lần tăng đến 0,75%.
Tuy nhiên gần đến cuối năm các yếu tố về lạm phát bắt đầu hạ nhiệt ở cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ và những thông điệp của Fed cũng cho thấy rằng họ sẽ bắt đầu có những mức độ gia tăng chậm hơn. Nếu như lãi suất tạo đỉnh, bắt đầu có những yếu tố suy thoái xảy ra thì họ có thể cân nhắc việc hạ lãi suất xuống. Đó là lúc cơ hội để các tài sản tài chính được định giá và gia tăng trở lại.
Với tình hình trong nước, tỷ giá cũng có những biến động khá lớn vào tháng 10, 11 và sức ép đến mặt bằng lãi suất vẫn có.
Còn theo ông Ngô Thanh Hải hiện trên thị trường thế giới có một vài ngân hàng rất lớn của Mỹ sa thải số lượng lớn nhân viên trong ngành tài chính. Động thái cắt giảm mạnh này phần nào cho thấy suy thoái kinh tế đang ở mức cao, do vậy sang năm mới sẽ là một bước phục hồi.
Với tình hình trong nước thì vấn đề lớn nhất hiện nay đó là thanh khoản của thị trường trái phiếu. Những tháng cuối năm Chính phủ cũng đã rất quyết liệt trong việc làm thế nào giải quyết vấn đề thanh khoản, tái cấu trúc lại thị trường trái phiếu.
Tuy năm 2022 là một năm rất u ám của thị trường kinh tế và tài chính của thế giới, ông Hải cho rằng Việt Nam so với các nước khác trong khu vực và các nước trên thế giới thì vẫn có những điểm sáng nhất định. Điều này tạo ra tiền đề để năm 2023 phát triển tốt hơn, lượng vốn FDI, FII vào Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong đầu tư xanh…
Làn sóng đầu tư vào những quỹ ETF cũng diễn ra rất mạnh trong quý IV/2022. Theo thống kê có 11 quỹ ETF trên thị trường quản lý khoảng 3,3 tỷ USD và đây cũng là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút rất nhiều nhà đầu tư và đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức trên thế giới.
Bổ sung quan điểm của ông Hải, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng năm 2021 và 2022 đều không thuận lợi trong quá trình đầu tư công. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh ra thì là vấn đề tăng giá của rất nhiều nguyên vật liệu cũng là nguyên nhân cần chú ý.
Nếu cộng cả hai yếu tố này vào kế hoạch giải ngân chính thức của năm nay, con số năm nay sẽ lớn hơn rất nhiều so với năm 2020 và 2021. Chuyên gia nhận định mức tăng trưởng về giải ngân đầu tư công khoảng 500.000 tỷ cho đến hơn 600.000 tỷ, tương đương tăng 10 – 30% so với giải ngân của năm ngoái.
Ngoài ra hai năm vừa qua là giai đoạn Trung Quốc rất chặt chẽ với các chính sách liên quan đến kiểm soát dịch bệnh, hiện tại họ đã chính thức nới lỏng rất nhiều những biện pháp phòng vệ. Cùng với sự phục hồi chung của Trung Quốc, chúng ta cũng sẽ được hưởng lợi từ việc phục hồi kinh tế của quốc gia này.