Theo UBND TP.Hà Nội, việc đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và tuyến đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có vai trò quan trọng để kết nối nhanh khu vực phía bắc, đông bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên.

Phối cảnh cầu Tứ Liên vượt sông Hồng
ẢNH: UBND TP.Hà Nội
Hà Nội cho biết dự án sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giãn dân số, giảm tải cho các cầu Chương Dương, Long Biên, Thăng Long, Vĩnh Tuy và giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi.
Đồng thời, từng bước hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng cho thủ đô và phát triển không gian đô thị hiện đại hai bên sông Hồng.
Dự án cũng nhằm góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thủ đô, thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tạo đà tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Theo thiết kế, công trình cầu Tứ Liên có kiến trúc dây văng 2 mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc. Sau khi hoàn thành vào năm 2027, cầu Tứ Liên sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của Hà Nội.
Dự án cầu Tứ Liên gồm 4 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và 1 dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn.
Tổng chiều dài dự án hơn 5 km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm, điểm cuối kết nối với đường Trường Sa.
Theo Quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 17 cây cầu vượt sông Hồng. Hiện đã có 8 cầu được xây dựng, gồm: Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Thăng Long, Nhật Tân và cầu Vĩnh Thịnh (TX.Sơn Tây).
9 cầu đang và sẽ được xây dựng trong thời gian tới, gồm: cầu Thượng Cát và 2 đầu cầu, Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Thăng Long mới, Ngọc Hồi, Phú Xuyên.