Giá vàng tăng phi mã, giá xăng dầu, nguyên liệu tăng cao khiến các loại hàng hoá tiêu dùng cũng trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, kinh tế ngày càng khó khăn, đồng lương của người lao động chưa cải thiện nhiều, thậm chí bấp bênh, khiến nhiều gia đình ở Hà Nội đau đầu với bài toán chi tiêu. Đối với nhóm lao động thu nhập trung bình - thấp, không có nhà ở và công việc ổn định, cuộc sống càng khó khăn hơn.
Chia cách nào cũng thiếu
Chị Trang (ở phường Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) quản lý website cho một công ty, có mức lương 12 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm tự do, tháng nhiều việc có thể thu nhập 10-20 triệu đồng, nhưng cũng có tháng chỉ đủ tiền xăng xe, điện thoại. Tính trung bình, hai vợ chồng có khoảng 22 triệu đồng/tháng.
Được bố mẹ hai bên giúp đỡ, vợ chồng chị Trang mua căn nhà xã hội ở Linh Đàm. Chị vay 70% giá trị căn nhà trong 10 năm, hàng tháng phải trả 8 triệu đồng cả gốc và lãi, chưa kể hơn 200 triệu đồng vay bạn bè người thân sửa nội thất khi nhận nhà lâu lâu lại phải lo trả một người. Dồn lại, mỗi tháng vợ chồng chị Trang cắt mất 10 triệu trả nợ.
Còn 12 triệu đồng để gia đình chi tiêu, nuôi 2 con nhỏ đang học tiểu học, điện nước, phí dịch vụ, tiền gửi xe... theo chị Trang "chia cách nào cũng thiếu".
Chị Trang cho biết: "So với hơn 1 năm trước, hiện tại giá điện - nước - xăng - gas đều tăng. Trẻ nhỏ đi học, tiền ăn lúc trước chỉ 25-27 nghìn đồng/ngày giờ đã lên 35 nghìn đồng. Bữa cơm trong gia đình tôi, món cơ bản nhất là thịt lợn, ví dụ thịt ba chỉ, giá cũng đã tăng 20-25 nghìn đồng/kg... Do kinh tế khó khăn, thu nhập của hai vợ chồng còn giảm nhẹ nên việc cân đối tài chính càng trở thành bài toán khó".
Gần 1 năm nay, ngoài giờ làm hành chính, chị Trang vẫn nhặt nhạnh thêm từng công việc nho nhỏ phù hợp chuyên môn... Nhưng nhìn lại, nợ nần cứ bớt ở ngân hàng lại phình sang ông bà, anh chị, bạn bè.
Xoay xở nhà cửa nợ nần, chị Trang không còn thời gian ngó nghiêng con cái. Con chị chỉ học ở trường công, không được học ngoại khóa năng khiếu, thể thao hay sinh hoạt câu lạc bộ gì thêm.
Tính về quê sau chục năm bám trụ Thủ đô
Trong một xóm trọ nhỏ với những dãy nhà cấp 4 lợp mái fibro xi măng nóng hầm hập ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, anh Dũng (34 tuổi, quê Thái Nguyên) đang tranh thủ dạy con trai nhỏ học bài để đỡ chi phí gửi cháu đi học thêm.
Phòng trọ của gia đình anh Dũng (2 vợ chồng và 2 con nhỏ) chỉ rộng chừng 9m2, không chia các khu chức năng riêng. Trong nhà cơ bản không có đồ đạc gì giá trị, tất cả chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống.
Vừa dạy con học, vừa tranh thủ đặt nồi cơm, nhặt chút rau chuẩn bị bữa tối, anh Dũng than thở gần đây đi chợ, rau củ cũng lên giá. Ở khu trọ thì điện nước đã tăng. Đồng lương công nhân của vợ chồng anh chưa đầy 7 triệu đồng/người, tăng ca thì mới được 8 triệu đồng. Nhưng công ty không phải lúc nào cũng có việc để tăng ca. Thành ra cả gia đình 4 người trông vào thu nhập tầm 13-14 triệu đồng/tháng.
“Làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long tính đến nay đã gần chục năm nhưng mức thu nhập hiện tại của tôi khá thấp, nếu lương giữ mức đều còn đỡ, có tháng ít việc chỉ được 7 triệu đồng" , anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Dũng, anh đã sống và làm việc ở Hà Nội gần chục năm, hai vợ chồng kết hôn, cũng đã có hai đứa con, nhưng mơ ước mua nhà ngày càng xa xôi vì chỉ lo đủ chi tiêu cũng khó.
Con trai lớn của vợ chồng anh đang học lớp 1, con gái nhỏ học mẫu giáo tư nhân, tiền học thêm cho các con tầm hơn 4 triệu đồng, cộng tiền sữa, thuốc, tiền phát sinh ốm đau... tính ra hết thu nhập của một người.
Còn lại toàn bộ tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền ăn uống cả gia đình, tiền ma chay hiếu hỉ, đối nội đối ngoại và một mớ các khoản chi chưa kể tên nữa, tất cả chỉ trông vào mức thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng của người còn lại. Đây là tình cảnh chung của gia đình anh Dũng cũng như nhiều cặp vợ chồng khác ở khu trọ này.
"Trước đây, khu trọ này có nhiều công nhân ở nhưng mọi người dần bỏ về quê hết vì không chịu được cuộc sống áp lực, đắt đỏ tại Thủ đô. Ngay cả vợ chồng tôi cũng vậy, nhiều lúc chán lắm, muốn bỏ việc, trả phòng trọ về quê, nhưng cũng sợ về quê không tìm được việc" , anh nói.
Thiếu trước, hụt sau
Cũng trong xóm trọ này, chị Huyền (31 tuổi, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long) cho hay, vợ chồng chị làm việc từ sáng đến tối mịt nhưng thu nhập cả hai chỉ hơn 10 triệu đồng.
Mỗi tháng, tiền nhà trọ, điện nước hết 1,5 triệu đồng; gửi về quê cho 2 con 3 triệu đồng; số còn lại để ăn uống, sinh hoạt cá nhân, phòng khi đau ốm…
“Tằn tiện hết mức nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Từ khi mọi thứ tăng giá, tôi gần như bỏ hẳn việc cà phê vỉa hè với bạn bè. Ăn sáng cũng gói mì tôm, tô cơm nguội ở nhà” , chị Huyền nói.
Anh Hứa Văn Khoá (34 tuổi, quê Yên Bái) cũng cùng vợ thuê căn phòng giá 1 triệu đồng/tháng ở khu trọ sát khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Căn phòng của vợ chồng anh vừa đủ để kê chiếc bàn học, giường ngủ và tủ quần áo.
Phía bên ngoài, căn bếp nhỏ của anh Khoá chỉ có vài chiếc bát con, bát tô, đĩa, một bếp điện đã cũ và rổ rau mới nhặt.
“Hai vợ chồng tôi đều rời quê đi làm công nhân ở ngoài thành phố. Khi tôi sinh bé đầu, do không có điều kiện nên nhờ gửi con về Yên Bái để ông bà chăm. Mức thu nhập có hạn nhưng hàng tháng phải gồng gánh đến 5, 6 người khiến mình làm gì cũng phải tính toán, đong đếm. Mọi thứ đều tăng cao trừ lương nên tôi với vợ cũng dần quen với bữa cơm chỉ có rau muống luộc, mì tôm, đậu rán...”, anh Khóa kể.
Anh Khoá tâm sự 4 năm làm công nhân là 4 năm bám trụ ở thành phố, tiết kiệm tiền để nuôi con nhỏ chứ chưa khi nào dám mơ đến mua được căn nhà ở xã hội.
Theo người đàn ông này, dù đã chọn khu trọ có giá thuê vào loại thấp nhất nhưng hàng tháng tiền điện, nước, internet, xăng xe, ăn sáng, tiền đám cưới đồng nghiệp tối thiểu phải 3 triệu đồng/tháng.
"Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác có lẽ cũng đang đau đầu với bài toán làm sao để sống ở Thủ đô trong thời buổi bão giá với đồng lương ít ỏi. Tằn tiện, từ bỏ đi những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống để bù vào các khoản phải trả thêm cho giá xăng, giá gas, giá điện, giá sữa, giá thực phẩm, tiền thuê nhà trọ và trừ cả những lần hiếm hoi được về quê thăm nhà, được quây quần bên mâm cơm gia đình..." , anh Khoá nói.
Câu chuyện của gia đình chị Trang, anh Khoá, anh Dũng và các gia đình trong xóm trọ trên là minh chứng cho số liệu của Tổng cục Thống kê về việc Hà Nội là thành phố đắt đỏ khi chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 tại Hà Nội tiếp tục cao nhất cả nước, sau nhiều năm ở vị trí này.
Cũng theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, mức chi tiêu cho đời sống chiếm gần 94% trong tổng chi tiêu bình quân của hộ gia đình. Trong đó, chi tiêu cho ăn uống chiếm 46,5%; chi tiêu không dành cho ăn uống chiếm 47,4% và các chi tiêu khác chiếm 6,1%.