UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3956 ban hành bổ sung một số cơ chế, chính sách phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng thủ đô đoạn trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, với trường hợp sử dụng đất lưu không, đất do UBND xã, phường quản lý, đất do hợp tác xã quản lý (có nguồn gốc là đất nông nghiệp), các hộ dân xây dựng nhà để ở hoặc kinh doanh ổn định, được xem xét hỗ trợ khác bằng 30% (chuyển đổi trước ngày 15/10/1993) và 20% (chuyển đổi từ sau ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004) đơn giá đất ở hoặc đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cùng vị trí theo giá quy định tại Quyết định số 30 ngày 31/12/2019 của UBND TP Hà Nội.
Diện tích đất được hỗ trợ đền bù tính bằng diện tích thực tế có công trình xây dựng nhà và công trình để ở hoặc sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhưng không quá hạn mức giao đất ở tối đa với chủ sử dụng.
Hồ sơ chỉ giới đỏ đường Vành đai 4 được chia làm 4 đoạn. Ảnh: VGP |
Với đất nông nghiệp vườn, ao liền kề thửa đất ở không được công nhận là đất ở, ngoài việc được bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí, sẽ được hỗ trợ khác bằng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.
Tổng diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
Với đất nông nghiệp, hỗ trợ khác bằng mức chênh lệch chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm giữa thửa đất nông nghiệp có đặc điểm tương đồng về vị trí, khả năng sinh lợi, điều kiện xã hội với thửa đất nông nghiệp liền kề.
Với công trình xây dựng trên đất, UBND TP Hà Nội chấp thuận hỗ trợ khác đối với công trình xây dựng là nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt thiết yếu, gồm bếp, giếng, nhà vệ sinh, nhà tắm, sân, cổng, đường vào nhà, rãnh, chuồng trại chăn nuôi, tường rào bao quanh thửa đất của hộ gia đình xây dựng trên diện tích đất không được công nhận là đất ở.
Việc áp dụng chính sách hỗ trợ khác phải đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, số khẩu, số hộ thực tiễn tại thửa đất bị thu hồi. Các công trình xây dựng còn lại không áp dụng chính sách hỗ trợ khác.
Về hỗ trợ di chuyển mộ, để động viên người sử dụng đất khi bị thu hồi đất di chuyển mộ sớm, đáp ứng tiến độ dự án, ngoài được bồi thường, hỗ trợ theo quy định, UBND TP Hà Nội hỗ trợ mức 2 triệu đồng/ngôi mộ cho trường hợp di chuyển mộ để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã thu hồi đối với trường hợp các thửa đất có chiều sâu dưới 3m, phần diện tích này được cập nhật ngay vào ranh giới thu hồi đất, được đưa chi phí giải phóng mặt bằng vào tổng mức đầu tư của dự án. UBND các quận, huyện có trách nhiệm quản lý và đề xuất phương án sử dụng đối với diện tích này.
Về tái định cư, chấp thuận tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại khu vực quận Hà Đông có đủ điều kiện được bồi thường mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn phường nơi có đất ở thu hồi, được đền bù bằng đất tại khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 trên địa bàn huyện Thanh Oai.
Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha, trong đó, TP Hà Nội là 741 ha. Ảnh: VGP |
Dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 112,8 km, qua 3 tỉnh, thành gồm Hà Nội (58,2 km), Hưng Yên (19,3 km), Bắc Ninh (25,6 km) và tuyến nối khoảng 9,7 km.
Dự án được chia thành 3 nhóm với 7 dự án thành phần, bao gồm 3 dự án giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song và 1 dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc. Nhu cầu sử dụng đất hơn 1.300 ha. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường áp dụng thu phí tự động không dừng.
TP Hà Nội đặt mục tiêu các huyện hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trước quý 2/2023, các quận, huyện tổ chức bàn giao 60-70% diện tích đất giải phóng mặt bằng xong trước quý 3/2023 và bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong quý 4/2023.
Với Hà Nội, đường Vành đai 4 - vùng thủ đô là dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường và khu vực ngoại thành. Dự án còn giúp kết nối, tác động lan tỏa liên vùng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thành cắm mốc giới trước ngày 15/11
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tại Hà Nội, sau khi tiến hành khảo sát, 2.000 trên tổng số 3.000 mốc giới được cắm, đạt khoảng 60%. Việc cắm mốc giới dự kiến hoàn thành trước ngày 15/11.
Các mũi khoan thăm dò địa chất được tiến hành. Ảnh: VGP |
Trước đó TP Hà Nội thống nhất tổ chức lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên thành 4 đoạn. Đoạn 1 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 dài khoảng 11 km, được UBND thành phố phê duyệt chỉ giới đường đỏ, tỷ lệ 1/500. Đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 dài khoảng 9,6 km, chưa được phê duyệt chỉ giới đường đỏ. Đoạn 3 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 dài khoảng 17,77 km, được UBND thành phố phê duyệt chỉ giới đường đỏ từ năm 2012.
Đoạn 4 từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài khoảng 19,5 km, chia làm 2 phân đoạn. Phân đoạn 1 dài khoảng 15 km đoạn từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A, được phê duyệt chỉ giới đường đỏ. Phân đoạn 2 dài khoảng 4,5 km đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở.