Theo Khảo sát Manulife Asia Care Survey lần thứ 3 của Tập đoàn Manulife, phần lớn những quyết định và suy nghĩ về việc mua bảo hiểm ít nhiều liên quan đến các vần đề sức khỏe và người Việt Nam cũng đang cố gắng quản lý vấn đề sức khỏe một cách tốt hơn.
Báo cáo cũng cho thấy 4/5 người Việt được khảo sát biết về ảnh hưởng dài hạn của Covid 19. 98% người được hỏi đều muốn tìm hiểu thêm các tác động về lâu về dài của dịch bệnh lên sức khỏe. Hơn 60% muốn tìm biện pháp phòng ngừa và khắc phục. 58% tìm kiếm các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe để giúp họ đối phó với tình trạng này. Bên cạnh đó, gần một nửa (46%) muốn biết bảo hiểm có thể giúp họ như thế nào.
Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng đã cho thấy xu hướng này, năm 2017, doanh thu bảo hiểm sức khỏe đạt 12.018 tỷ, chỉ chiếm 29% doanh thu toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, xếp thứ 2 về mức độ đóng góp doanh thu.
Cuối năm 2021, loại hình bảo vệ này đã ghi nhận doanh số 18.021 tỷ, tăng trưởng gần 50% trong vòng 5 năm. Đây cũng là loại bảo hiểm đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh thu của thị trường phi nhân thọ.
Tính đến cuối tháng 7/2022, doanh thu bảo hiểm sức khỏe đạt 12.229 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng trưởng chung toàn thị trường (14,9%) và vẫn giữ vị trí đóng góp nhiều nhất vào tổng doanh số bảo hiểm phi nhân thọ với tỷ trọng 31,5%.
Đối với mảng bảo hiểm sức khỏe của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tổng số hợp đồng khai thác mới của phân khúc này tiếp tục tăng trưởng gần 26% trong khi toàn ngành giảm 13,5%.
Hiện tại, cũng đã có rất nhiều đơn vị cung cấp bảo hiểm sức khỏe, một số còn có các sản phẩm chuyên biệt dành cho các loại bệnh đặc thù như BIDV Metlife với sản phẩm Quà tặng sức khỏe dành cho bệnh nhân tiểu đường loại hai. Bảo hiểm Sức khoẻ Toàn diện của Bảo hiểm Bảo Việt, hay Ngũ Phúc Ưu Việt của Bảo hiểm PVI,…
Mặc dù bảo hiểm là một phần không thể thiếu trong một lộ trình tài chính hoàn chỉnh của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, việc phân bổ thế nào và khi nào nên áp dụng bảo hiểm sức khỏe cũng như nên lựa chọn hình thức nhân thọ hay phi nhân thọ không phải điều dễ dàng.
Về cách phân bổ, chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán cho biết, "nếu tham gia các loại bảo hiểm chỉ thuần bảo vệ, khoản chi này chỉ nên chiếm khoảng 5% thu nhập. Đối với trường hợp tham gia các hợp đồng bảo hiểm kết hợp đầu tư, tổng phí (cả khoản đầu tư lẫn bảo vệ) theo khuyến nghị của chuyên gia là không vượt quá 20% thu nhập. Nếu hơn mức này bảo hiểm sẽ trở thành một gánh nặng. Tránh trường hợp nhìn thấy quyền lợi bảo hiểm quá cao hay những vì những lời mời mọc và quà tặng mà "vung tay quá trán". Khi tham gia bất chấp thu nhập, hợp đồng khó có thể được duy trì lâu dài".
Hiện nay, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đều có các gói sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo các chuyên gia, nếu phạm vi bảo hiểm và quyền lợi như nhau, trong một số trường hợp như người tham gia sống độc thân, không có người phụ thuộc,… thông thường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ có ưu thế hơn về mặt tiết kiệm chi phí.