Thiếu vốn phục hồi sản xuất kinh doanh là chuyện muôn thuở của doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhất là sau đại dịch COVID-19. Ông Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp chuyên trồng cây ăn quả tại Thanh Hoá cho biết, hợp tác xã vừa xây dựng hệ thống nhà kính trồng cây theo tiêu chuẩn VIETGAP được 2 năm thì dịch COVID-19 xảy ra. Trước khi có dịch, sản phẩm của hợp tác xã chủ yếu xuất bán cho cơ sở kinh doanh hoa quả, rau an toàn, hữu cơ tại Hà Nội…
“Sau đại dịch, tôi muốn mở rộng sản xuất và cần vay vốn nhưng đa số tài sản đảm bảo đã thế chấp cho ngân hàng. Khi nghe nói gói vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2%, tôi có tìm hiểu nhưng khó đáp ứng điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, dòng tiền. Chúng tôi mong muốn, chính sách hỗ trợ nới lỏng điều kiện để có thể dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn hỗ trợ”, ông Hoàn nói.
Một chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chuẩn bị mở bán cũng chia sẻ: “Chúng tôi mong thủ tục đơn giản để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Việc hỗ trợ lãi suất cho chủ đầu tư giúp chúng tôi giảm bớt chi phí và cuối cùng người mua nhà được lợi bởi giá bán sẽ thấp hơn”.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. Chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách là một giải pháp trong nhiều giải pháp mà ngành ngân hàng triển khai, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay, doanh nghiệp khi vay phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Bơm tiền tiếp sức
Theo NHNN, gói hỗ trợ lãi suất 2% lần đầu tiên sử dụng ngân sách nhà nước này có quy mô lớn triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại. Ngay từ trong quá trình dự thảo gói này, NHNN đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc rất kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp và lấy ý kiến bằng văn bản...
Trao đổi về gói vay hỗ trợ này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tín dụng 5 tháng đầu năm 2022 tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, tính đến 20/5, tín dụng toàn ngành kinh tế đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm 2021. Còn tính tới 27/5, ước tính tín dụng tăng 7,7%, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Đào Minh Tú nhấn mạnh: Tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không dồn vào một vài lĩnh vực. Thậm chí, một số lĩnh vực gặp khó khăn trong thời gian qua mức tín dụng lại tăng trưởng cao: Tín dụng vận tải, du lịch, dịch vụ, tăng 8,25%; tín dụng công ngiệp phụ trợ tăng trên 7,6%... Dòng vốn tín dụng tăng trưởng tốt và được điều hướng tích cực đã bù đắp đáng kể sự thiếu hụt vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán gặp khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh tế.
“Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% sẽ tạo hiệu ứng tích cực hơn cho tăng trưởng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, việc triển khai chính sách này cũng đặt thêm trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng trong đảm bảo nguồn cung ứng vốn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, thực tế có không ít băn khoăn về rủi ro trong thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này. Trong đó, các ngân hàng quan ngại về rủi ro cho cán bộ tín dụng về khả năng xác định sai đối tượng thụ hưởng. “Để tránh rủi ro cho các tổ chức tín dụng khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN đã có thông tư hướng dẫn hạch toán, về phần hỗ trợ lãi suất, thông thoáng hơn so với trước, tạo điều kiện cho ngân hàng triển khai được”, ông Hùng nói và cho biết thêm, một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. Chỉ khi nào doanh nghiệp đáp ứng ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới được tiếp cận nguồn vốn này. Để hạn chế rủi ro các ngân hàng phải thẩm định đánh giá hiệu quả dự án chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật.