Thời điểm 8h30 sáng nay 7/6 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức 1.839 USD/ounce, giảm 14 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Giá kim loại quý cắm đầu lao dốc chủ yếu do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh. Tới sáng nay, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vượt mốc 3,02%.
Bên cạnh đó, việc phục hồi của thị trường chứng khoán cũng gây áp lực lên giá vàng. Các nhà đầu tư ưa thích rủi ro hơn trong phiên giao dịch đầu tuần trong bối cảnh các lệnh phong toả vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc được nới lỏng. Điều này đã giúp các thị trường cổ phiếu, trong đó có các chỉ số chứng khoán Mỹ, diễn biến tích cực hơn.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu và giá dầu thô ở mức cao.
Chỉ số US Dollar Index đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) rơi xuống dưới mốc 102, trong khi giá dầu thô trên sàn Nymex tăng sát ngưỡng 120 USD/ thùng.
Giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu quan trọng trong tuần là cuộc họp chính sách tiền tệ thường kỳ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vào thứ Năm. Các nhà kinh tế dự báo, Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ đưa ra các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu đang “nóng”.
Ngay sau đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm của Mỹ sẽ được phát hành vào thứ Sáu. Chỉ số CPI tháng Năm của Mỹ dự kiến sẽ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 8,3% vào tháng Tư.
Giá vàng giảm mạnh
Ở thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch tuần mới, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 68,55-69,47 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên hôm trước.
Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 68,5-69,4 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng cả hai chiều so với chốt phiên liền trước.
Phú Quý SJC niêm yết giá vàng ở mức 68,65-69,45 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.