Tại Hội nghị triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đến nay các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất.
Theo kế hoạch dự kiến, mức chi ngân sách hỗ trợ cho năm 2022 là khoảng 16.035 tỷ đồng và năm 2023 là 23.965 tỷ đồng. NHNN cũng đã có thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại (NHTM) để triển khai sớm chính sách.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ các NHTM sớm triển khai chính sách, NHNN đã tiếp nhận, tổng hợp, giải đáp tất cả các câu hỏi, thắc mắc nhận được dưới mọi hình thức, cả bằng văn bản và qua trao đổi trực tiếp, trao đổi qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử.
Về các vấn đề như đối tượng và điều kiện áp dụng đã được quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ cùng Thông tư 03 của NHNN, tuy nhiên một số đại diện ngân hàng và doanh nghiệp vẫn còn khá băn khoăn về điều kiện được hưởng hỗ trợ về lãi suất.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam, nhận định việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất là rất cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, góp phần giảm chi phí đối với các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói do trong hai năm dịch diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp bị ngừng sản xuất, giảm quy mô,…không tránh khỏi nợ xấu hay chuyển nhóm nợ, không đủ điều kiện tham gia nhóm được hỗ trợ.
Trong việc thực thi, ông Hùng đề xuất các ngân hàng cần nhanh chóng hơn trong việc xét duyệt tránh tình trạng như gói hỗ trợ thuê trọ cho người lao động sau mấy tháng triển khai mới giải ngân được 1%.
"Trong hệ thống các ngân hàng cần thống nhất cách hiểu, điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ NSNN tránh tình trạng giữa các ngân hàng hay giữa các chi nhánh của cùng ngân hàng có sự khác biệt lẫn nhau và để minh bạch thông tin", ông Hùng nêu ý kiến.
Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết đối tượng hỗ trợ đã được xác định từ Nghị quyết 43 của Quốc hội, và hiện tại có rất nhiều gói hỗ trợ cho nhiều đối tượng trong nền kinh tế như doanh nghiệp, người lao động, an sinh xã hội,... Việc nguồn lực nào hỗ trợ cho đối tượng nào đã được Nghị quyết 43 xác định và đề cập một cách tổng thể. Trên cơ sở đó, Nghị định 31 phải căn cứ theo những đối tượng đã xác định đó.
Phó Thống đốc khẳng định khi xây dựng các quy định nội bộ, các ngân hàng thương mại phải dựa theo đúng các điều kiện đã nêu ở Nghị định 31 và Thông tư 03, không thể thắt chặt hơn, đưa thêm các điều kiện để có thể nhiều đối tượng được hưởng theo đúng hướng dẫn.
"NHNN sẽ giám sát và kiểm soát sau, nếu có quy định nào trái với hướng dẫn hoặc chặt quá thì cần điều chỉnh. Chúng ta cần có sự thống nhất cho tất cả ngân hàng, tránh tình trạng tại ngân hàng này thì được hưởng tại ngân hàng khác thì không", Phó Thống đốc nói.
Không lo cản trở từ room tín dụng
Ngoài vấn đề điều kiện vay, hạn mức tín dụng cũng là vấn đề được các đại biểu đề cập đến. Ông Phạm Huy Hùng cho rằng việc một số ngân hàng đã kịch room hoặc còn rất ít room tín dụng, khiến cho việc tiến hành các khoản vay mới, vay ưu đãi sẽ khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cũng lo ngại việc room tín dụng con rất ít có thể sẽ khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm lại.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Minh Tú cho hay việc áp dụng hỗ trợ lãi suất không chỉ cho các khoản vay mới mà là cho tất cả khoản vay đủ điều kiện giải ngân từ đầu năm.
Số liệu của NHNN cho biết tính từ đầu năm đến nay doanh số cho vay đối với 8 đối tượng mà được hưởng hỗ trợ lãi suất này đã lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, đây không phải con số thấp. Do đó, việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ không phải vì thế mà chậm lại.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cũng nhận định chương trình hỗ trợ lãi suất lần này có quy mô lớn, triển khai trên toàn quốc, số lượng NHTM tham gia nhiều, do đó để thực hiện thành công có sức lan tỏa đến toàn nền kinh tế, cùng với NHNN cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, các NHTM, khách hàng,...
Ông Tú cho biết thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.
Một số nội dung chính của chính sách hỗ trợ lãi suất 2% như sau:
1.Đối tượng được HTLS là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc 2 nhóm:
+ Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản.
+ Thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của Bộ).
2. Mức lãi suất hỗ trợ là 2%/năm.
3. Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.
4. Các khoản vay được HTLS đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.