Công nghệ

Gọi điện vệ tinh khó thành vì cuộc đua Mỹ - Trung

Xây dựng một dịch vụ di động duy nhất với giá phải chăng, có thể hoạt động ở mọi nơi trên hành tinh là giấc mơ của điện thoại di động từ những ngày đầu hình thành. Các công ty Mỹ và Trung Quốc đang có tiềm năng tiến gần hơn đến mục tiêu đó thông qua công nghệ vệ tinh.

Tuy nhiên, cả hai siêu cường đều đang quyết tâm thống trị công nghệ mới này. Quan trọng hơn, mỗi bên sẵn sàng đưa ra các quy định để ngăn chặn dịch vụ vệ tinh của bên còn lại hoạt động trong phạm vi biên giới của mình.

"Bất cứ ai theo dõi mối quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua đều biết kết quả là thua - thua", WSJ bình luận. "Rất lâu nữa, Elon Musk mới thực hiện được lời hứa loại bỏ vùng chết trên toàn thế giới".

Minh họa về sự phân cực ở lĩnh vực liên lạc qua vệ tinh trong tương lai. Ảnh: WSJ

Phân cực Mỹ - Trung ở lĩnh vực liên lạc qua vệ tinh trong tương lai. Ảnh: WSJ

Vấn đề biên giới quốc gia

Lynk Global, công ty khởi nghiệp ở thành phố Falls Church, năm ngoái nhận được giấy phép đầu tiên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cho dịch vụ liên kết trực tiếp các vệ tinh thương mại với smartphone mà không cần phần cứng hoặc phần mềm đặc biệt. Charles Miller, nhà sáng lập và CEO Lynk, cho biết công ty nhận được hợp đồng từ 40 quốc gia, cũng như đang thử nghiệm ở những nơi khác, trừ Trung Quốc.

"Chúng tôi chưa đăng ký thử nghiệm ở Trung Quốc và nếu có, tôi nghĩ họ cũng sẽ nói không", Miller cho hay.

So với việc kết nối ở các trạm mặt đất như đa số điện thoại hiện nay, điện thoại ứng dụng công nghệ vệ tinh có thể được sử dụng bất cứ đâu trên Trái đất, kể cả ở giữa biển, trên sa mạc, vùng sâu vùng xa. Điện thoại chuyên dụng cho liên lạc vệ tinh đã xuất hiện cách đây hàng thập kỷ, nhưng gần đây, tính năng tương tự mới có trên smartphone của Apple hay Huawei nhưng chỉ hoạt động hạn chế.

Theo các chuyên gia, bản chất của liên lạc vệ tinh là không quan tâm đến biên giới quốc gia. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có quyền quyết định có cho phép truyền tín hiệu vệ tinh trong lãnh thổ của mình hay không. "Việc xin các loại phép có thể trở thành thách thức lớn", Brady Wang, nhà phân tích tại Counterpoint Research, nói.

Đến nay, các dịch vụ viễn thông mặt đất về cơ bản vẫn theo từng quốc gia riêng, nhưng có thể hoạt động ở nơi khác qua thỏa thuận chuyển vùng (roaming). Liên lạc vệ tinh có thể cũng phải hoạt động theo cách tương tự. Đó là lý do Apple mới chỉ triển khai dịch vụ của mình tại Mỹ, Canada và mới đây là một số nước châu Âu.

Dịch vụ kết nối Internet vệ tinh Starlink của SpaceX yêu cầu ăng-ten đặc biệt và có sẵn tại một số quốc gia. Theo kế hoạch, dịch vụ dự kiến phủ sóng toàn cầu, trừ tại Nga và Trung Quốc. Gần đây, công ty của Musk cũng hợp tác với nhà mạng T-Mobile, cho phép người dùng smartphone thông thường có thể truy cập vào mạng của Starlink và sử dụng một số dịch vụ cơ bản.

Năm ngoái, sau khi Apple công bố dịch vụ liên lạc vệ tinh, Huawei của Trung Quốc cũng có động thái tương tự, nhưng hiện chỉ hoạt động nội bộ tại Trung Quốc. "Các dịch vụ tương tự của Trung Quốc có thể không được cấp phép ở Mỹ hoặc các quốc gia đồng minh thân cận của Mỹ", Larry Press, giáo sư hệ thống thông tin tại Đại học California, dự đoán.

Sự phân cực Mỹ - Trung

Đến nay, hầu hết vệ tinh dùng cho liên lạc thường nằm ở khoảng không quỹ đạo thấp (LEO) của Trái đất. Với khoảng cách dưới 2.000 km, quỹ đạo này ít tốn kém về chi phí phóng vệ tinh, đồng thời cung cấp đường truyền tốt hơn.

Dù vậy, độ cao này cũng gây nguy hiểm. Tháng 12/2021, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Liên Hợp Quốc, nói rằng phi hành gia trên trạm vũ trụ của nước này phải thực hiện nhiều hành động khẩn cấp để tránh va chạm với vệ tinh của SpaceX.

Ở độ cao lớn hơn, một số chức năng không khả dụng. Ví dụ, Huawei dùng mạng vệ tinh Beidou do Trung Quốc phát triển với vị trí cách mặt đất hơn 16.000 km. Người dùng Huawei không thể nhận tin nhắn.

Nhưng Trung Quốc có kế hoạch riêng trong việc phóng vệ tinh băng thông rộng LEO với sự tài trợ của nhà nước. Năm 2020, nước này đã đệ trình lên Liên minh Viễn thông Quốc tế về kế hoạch phóng 12.992 vệ tinh Internet băng thông rộng ở quỹ đạo thấp của Trái đất. Còn theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh muốn trở thành một phần trong phạm vi ảnh hưởng ở tầng quỹ đạo này khi nói về liên lạc vệ tinh.

"Trung Quốc đang dần tiến tới mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo không gian tầm cỡ thế giới, với ý định sánh ngang hoặc vượt Mỹ vào năm 2045", theo bản đánh giá hàng năm do cộng đồng tình báo Mỹ công bố hồi tháng 3. "Thậm chí, đến 2030, Trung Quốc có thể đạt vị thế đẳng cấp thế giới, trừ một số lĩnh vực công nghệ vũ trụ".

Các công ty Mỹ và Trung Quốc được đánh giá đang đi trên hai con đường riêng biệt trong việc xây dựng hệ thống vệ tinh. Điều này làm tăng viễn cảnh về một thế giới bị chia cắt giữa một khu vực thân Trung Quốc sử dụng các thiết bị và vệ tinh do Trung Quốc sản xuất; bên còn lại thân Mỹ, sử dụng thiết bị được chế tạo từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giới phân tích cho rằng Mỹ nắm giữ lợi thế đáng kể trong cuộc đua về liên lạc vệ tinh dân sự. Nước này có nhiều công ty đã vận hành hệ thống hàng nghìn vệ tinh riêng như SpaceX hay Blue Origin với dịch vụ đã đến tay người dùng cuối, cũng như có một số đồng minh trên toàn cầu liên quan đến lĩnh vực này.

(theo WSJ)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm