Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: VN-Index có thể duy trì trên mốc 1.000 điểm, thị trường khó kỳ vọng vào sóng lớn đến cuối năm

(Ảnh chụp màn hình).

Thị trường trong các phiên gần đây tiếp tục có những phiên điều chỉnh giảm mạnh và sát hơn ngưỡng 1.000 điểm. Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng những thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng và chờ đợi các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022.

Đến thời điểm này đã có nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh quý III, tuy nhiên bức tranh lợi nhuận không được như kỳ vọng. Bên cạnh những nhóm ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt như ngành ngân hàng, thì không ít ngành có mức lợi nhuận sụt giảm như nhóm hóa chất, dệt may, hay thậm chí thua lỗ nhiều như nhóm ngành thép.

Việc lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho thấy các yếu tố khó khăn từ nền kinh tế thế giới đang ngấm vào các doanh nghiệp Việt Nam. Dù kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi tốt, nhưng Việt Nam có nền kinh tế mở nên khó tránh khỏi những tác động từ bên ngoài.

Chia sẻ trong Talk show "Phố Tài chính", bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết ở thời điểm hiện nay, đa phần kết quả kinh doanh phù hợp với kỳ vọng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có rất ít nhóm ngành hay doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn so với kỳ vọng.

Lý giải điều đó, ngoài những yếu tố tích cực như tiêu dùng phục hồi hay giá hàng hóa, nguyên vật liệu giảm thì có những yếu tố tiêu cực đã dần tác động lên các doanh nghiệp trong quý III này.

Thứ nhất là nhu cầu của thế giới đã có xu hướng giảm rõ rệt, lượng đơn đặt hàng từ các thị trường truyền thống lớn của nước ta như Mỹ và châu Âu đã sụt giảm rất mạnh từ tháng 7 và tháng 8. Thứ hai các doanh nghiệp bắt đầu chịu áp lực kép bởi tỷ giá và lãi suất đều có xu hướng tăng mạnh từ thời điểm đầu quý III.

Theo thống kê sơ bộ, có môt số ngành đã ghi nhận sự giảm tốc tăng trưởng trong quý III, nổi bật nhất là các nhóm liên quan đến xuất khẩu như gỗ hay dệt may với lợi nhuận sụt giảm trung bình khoảng 25%, thậm chí một số doanh nghiệp báo lợi nhuận giảm 50% so với cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp điện cũng ghi nhận lỗ tỷ giá cũng như lỗ lãi suất. Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hầu hết đều có sự sụt giảm khá mạnh về mặt lợi nhuận, trung bình giảm khoảng 30%, một số doanh nghiệp ghi nhận mức giảm hơn 50% so với cùng kỳ. 

Nói về báo cáo kết quả kinh doanh quý III, ông  Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC đánh giá không nhóm ngành nào có sự tăng trưởng thực sự xuất sắc.

"Đó là điều tôi nghĩ rất bất ngờ, nhưng đồng thời cũng hợp lý trong bối cảnh hiện tại. Tình hình thế giới đang hết sức phức tạp và chu kỳ kinh tế của chúng ta đi sau những quốc gia lớn như Mỹ hay châu Âu.

Do đó những tín hiệu suy thoái đầu tiên đang xuất hiện và dần dần thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh quý III. Có lẽ thị trường sẽ kỳ vọng về những dấu hiệu tiếp theo trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV hoặc sang năm", chuyên gia cho hay.

Về bối cảnh thị trường, ông Huy đánh giá dòng tiền rất yếu. Với việc siết chặt tiền tệ với lãi suất tiếp tục tăng, câu chuyện dòng tiền sẽ ồ ạt chảy hay hưng phấn trở lại không được kỳ vọng, nhưng chúng ta không bị bi quan. Từ nay đến cuối năm VN-Index được dự báo vẫn duy trì được ở trên mức 1.000 điểm nếu không có sự thay đổi quá lớn về mặt hệ thống.

"Cách đây 10 năm thanh khoản thị trường ở mức 300 - 500 tỷ đồng, trong khi trung bình hiện nay khoảng 10.000 tỷ đồng, đó vẫn là con số đáng mơ ước.

Hiện tại tôi cũng có liên tưởng đến hồi giai đoạn 2019, 2020, giai đoạn trước COVID, tiền sẽ tự tìm đến những câu chuyện vừa sức để kể. Thị trường có thể sẽ không có sóng lớn ở những nhóm ngành lớn, nhưng những câu chuyện nhỏ cụ thể thì tiền sẽ tự tìm đến câu chuyện như vậy".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm