Thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh trong thời gian ngắn, nhiều người có tâm lý “tham gỡ” muốn sử dụng nguồn tiền từ ký quỹ (margin) hoặc mua thêm các cổ phiếu mới cho danh mục đầu tư để kỳ vọng sớm “vào bờ”.
Liên quan đến chủ đề này, các chuyên gia chứng khoán đã có những chia sẻ trong chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI, ở vị thế của một nhất đầu tư bình thường thì tốt nhất nhà đầu tư không dùng margin.
Việc dùng đòn bẩy trong đầu tư chỉ khi nhà đầu tư biết mình đang làm gì, nắm rõ được vấn đề rủi ro. Nhà đầu tư thích đầu cơ vào một sản phẩm khi nắm tình hình và thị trường đang có vẻ như chưa phản ánh được hết. Tuy nhiên, hoạt động đầu cơ thấp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu tài sản, việc “mang hết tài sản” để đầu cơ sẽ rủi ro cao.
Phương án thứ hai được nhiều nhà đầu tư lựa chọn đó là mua thêm các cổ phiếu mới trong danh mục bên cạnh việc trung bình giá những mã sẵn có. Khi được các nhân viên môi giới tư vấn hoặc cộng đồng chia sẻ về cổ phiếu hoặc nhóm ngành “khỏe”, nhà đầu tư có tâm lý đám đông sẽ mua theo, gia tăng lượng mã chứng khoán trong danh mục của nhà đầu tư.
Theo Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, nhà đầu tư không nên mua quá nhiều mã cổ phiếu. Bởi khi mua nhiều chẳng hạn như 20 mã, việc so sánh về hiệu suất với chỉ số tham chiếu của thị trường như VN30 không có nhiều khác biệt.
Còn với từng mã, vị chuyên gia của SSI cho rằng “ít nhất thì khi đầu tư thì nhà đầu tư cũng phải có quản trị rủi ro. Rủi ro hiểu một cách nôm na như việc chấp nhận một mức độ lỗ cho toàn danh mục. Thứ hai, với từng một cổ phiếu thì nhà đầu tư cũng phải có mức chặn nào đấy. Nếu mà để cổ phiếu giảm đến 60 - 80% rồi mà vẫn chưa có hành động gì thì tôi nghĩ rằng cũng không nên”.
Đồng quan điểm, ông Trần Việt Hưng - Nhà sáng lập và Giám đốc Học vụ cho rằng việc đầu tư quá nhiều mã dẫn đến hiệu quả thực sự không khác nhiều so với một rổ chỉ số. “Việc đầu tư một cái chỉ số chung, nếu chúng ta muốn vượt chỉ số thì có lẽ là ít mã hơn và phân chia ra các ngành nghề khác nhau.”
Liên quan đến việc nhà đầu tư cá nhân thường lựa chọn nhiều mã cho danh mục và mắc sai lầm, ông Trần Việt Hưng giải thích đó là tâm lý thích nhiều lựa chọn. Ví dụ với chiếc điện thoại iphone 13 có các màu khác nhau và ốp lưng khác nhau, dẫn đến việc “đứng hình” trước các lựa chọn vì không biết lựa màu gì.
Ông Hưng liên tưởng đến việc chọn cổ phiếu như những sản phẩm khác trong cuộc sống. “Sau khi mình chọn cái loại iphone có màu tím thì lúc đấy mình lại phát hiện ra là cái màu xanh nó lại đẹp hơn. Chúng ta lại có cảm giác như là hối tiếc tại sao hồi đấy mình lại không chọn màu xanh mà lại chọn màu tím. Như hôm nay thì áo của tôi là màu xanh lơ ở ngoài, nhưng mà màu tím ở trong, gọi là lơ vỏ tím lòng. Ngược lại chúng ta xanh vỏ đỏ lòng thì có lơ vỏ tím lòng.
Thế nhưng mà quay lại cái câu chuyện chính thì có lẽ là chúng ta nên biết cách hạn chế một chút lựa chọn của mình thì cuộc sống của chúng ta không phải chỉ trong câu chuyện về cổ phiếu đâu, mọi thứ nó sẽ đơn giản hơn. Tức là một lựa chọn thì chắc chắn là không tốt, nhưng mà 5 lựa chọn so với cả 20 lựa chọn thì có khi 5 lựa chọn lại tốt hơn là 20 vì chúng ta quyết định một cách nhanh chóng hơn”.