Tất cả bắt đầu bằng việc người đàn ông "mối tình đầu" kéo tay cô rủ đi dạo một vòng sân trường, trong khi các bạn đang ngồi ôn chuyện cũ. Có những chuyện Minh Anh quên, được anh nhắc lại bằng giọng tha thiết, day dứt tiếc nuối.
"Tim tôi rộn lên, bất giác chúng tôi nắm chặt tay nhau", cô học trò giờ đã là mẹ hai con, nói. Cô kể đang có tổ ấm hạnh phúc bên chồng, con. Còn người yêu cũ tâm sự kết hôn vội vàng nên hôn nhân nguội lạnh. Anh thổ lộ chưa từng quên cô, vẫn day dứt vì ngày xưa chọn vào nam lập nghiệp, để tình yêu dang dở.
Sau họp lớp, họ âm thầm nhắn tin, trò chuyện và tiếp nối nụ hôn năm xưa bằng những cuộc hẹn hàng tuần. Sự việc vỡ lở khi vợ của tình cũ phát hiện mối quan hệ ngoài luồng này và gọi điện cho chồng Minh Anh.
Người hứa sẽ chấm dứt để toàn tâm cho gia đình, người xin chồng tha thứ "vì các con". Không có vụ ly hôn nào nhưng vợ chồng Minh Anh đã hơn một năm không chung giường.
Trên diễn đàn dành tâm sự chuyện hôn nhân, gia đình do nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú làm quản trị viên, anh nhận được hàng chục lá thư của người vợ, người chồng kể về nỗi đau khi phát hiện bạn đời ngoại tình sau những lần họp lớp, hội khóa. Có những người giống như Minh Anh, kể về trải nghiệm sai lầm của chính mình. Họ mất cả tháng mới cân bằng được cảm xúc, sau những xao xuyến yêu đương vì gặp lại tình yêu thuở học trò.
"Họp lớp là lúc cảm xúc bùng nổ ghê gớm. Người ta dễ bị xao lòng bởi những ngày xưa quá đẹp, trong ngập tràn cảm xúc ký ức. Họ chỉ nhớ những thứ đẹp nhất, lung linh nhất nên khi gặp lại, dễ choáng ngợp", nhà văn Hoàng Anh Tú nói.
Về bản chất, họp lớp là hoạt động ý nghĩa giúp gắn kết tình thầy trò, bạn bè. Theo ông Tú, những cuộc họp lớp còn là cơ hội để chữa lành những tổn thương của thời tuổi trẻ, chưa đủ trải đời. Có những câu chuyện xưa được kể lại với góc nhìn hoàn toàn mới, bao dung hơn. "Có những lời xin lỗi phải chục năm mới nói ra được nhờ họp lớp", nhà văn Hoàng Anh Tú nói. Tuy nhiên, nếu không được tổ chức đúng với mục đích đó, họp lớp sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực.
Chị Nguyễn Thúy Quỳnh (37 tuổi, ở Hà Nội) cho rằng "họp lớp không mang lại gì ngoài những chuyện tiêu cực". Khi nhận thư mời họp lớp sau 15 năm ra trường, chị háo hức mong gặp lại bạn cũ. Nhiều đêm, Quỳnh nghĩ về thời cấp ba, thấy mình như trẻ lại. Nhưng Quỳnh ngỡ ngàng khi tham dự lễ kỷ niệm chỉ với quá nửa số thành viên của lớp, bất chấp suốt nửa tháng trước đó mọi người kêu gọi, sôi nổi bàn bạc.
Quỳnh là một trong những học sinh giỏi hàng đầu của lớp ngày cấp ba, được thầy cô yêu quý. Vào đại học, chị theo ngành sư phạm, lấy chồng cùng nghề. Cuộc sống đôi vợ chồng tuy không khá giả, nhưng yên ấm. Đến họp lớp, vài cô bạn bước từ trên ôtô xuống, cười khẩy khi thấy chị đi chiếc xe máy đã bạc màu.
"Học giỏi mấy cũng chả khá bằng đứa biết chọn chồng", một người buông lời khi Quỳnh lại gần. Rồi họ kể chuyện chồng làm giám đốc, người làm bất động sản, thu nhập tháng vài trăm triệu đồng. Khi biết chị làm giáo viên, họ hỏi thu nhập bao nhiêu, hỏi chồng làm gì, đã có nhà chưa, chung cư hay mặt đất.
"Tôi thấy buổi họp nhộn nhạo như hội chợ, là cơ hội để khoe nhà, xe, khoe chức vụ, khoe quan hệ", chị nói.
Qua chuyện của bạn bè, chị biết những người không tham dự đều bị cho là vẫn đang lận đận trên đường đời, không có địa vị. "Làm giáo viên cấp hai như tôi nghe các bạn khoe của còn chạnh lòng, huống hồ những người nghề nghiệp không ổn định", chị nói. Sau buổi gặp trên lớp, họ kéo nhau đi ăn trưa ở nhà hàng, rồi đi karaoke và kết thúc ở một quán bia lớn. Cảm thấy không thể kết nối, chị Quỳnh xin về sau buổi ăn trưa ở nhà hàng.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, những buổi họp lớp, hội khóa kém ý nghĩa là do thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng, người đứng ra tổ chức không xây dựng được nội dung thiết thực, phù hợp với tiêu chí đề ra. Có những học trò của ông, khi tổ chức hội khóa sẽ gặp thầy cô trước cả tháng để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và xin ý kiến của giáo viên để xây dựng chương trình.
Yếu tố tạo thành công của một buổi họp lớp là người tổ chức có tâm, có tầm và những thành viên trong lớp đó thực sự đến với nhau vì tình cảm bạn bè. "Họp lớp hay hội khóa để kết nối tình thầy trò, bạn bè tương trợ nhau lúc khó khăn, truyền động lực học tập đến thế hệ sau. Nếu không đạt được mục tiêu nhân văn đó thì không nên tổ chức", ông nói.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng nên họp lớp vào những năm chẵn như 10 năm, 20 năm... Khi gặp mặt, nhất thiết phải có thầy cô với vai trò là trung tâm chứ không phải những người đứng ra tổ chức. Ông khuyên nếu cảm thấy họp lớp không có giá trị với mình và cảm thấy không thoải mái khi tham gia thì không cần phải tham gia.
Một khảo sát của VnExpress với 2.000 độc giả, đa số ủng hộ quan điểm của ông Tú. Khoảng 47% cho rằng chỉ nên tổ chức dịp 10 năm, 20 năm... một cách bài bản, nhân văn, còn lại kết nối qua mạng xã hội, điện thoại. Những bạn bè thân thiết muốn gặp sẽ chủ động gặp, không cần đợi họp lớp. Trong khi đó, 46% nghĩ không nên họp lớp vì vô bổ và phát sinh những phiền phức không đáng có. Chỉ 7% muốn họp lớp hàng năm.
Minh Anh thừa nhận họp lớp có ý nghĩa với các bạn trong lớp, ngoại trừ cô và mối tình đầu. Chuyện của hai người một thời gian dài khiến các bạn học cùng lớp xôn xao. Xấu hổ và ân hận, cô dự định sẽ không bao giờ tham gia họp lớp hay hội khóa nữa.
Buổi họp kỷ niệm 10 năm ra trường kết thúc, chị Thúy Quỳnh góp ý riêng với cán bộ lớp về cách thức tổ chức, để những cuộc gặp gỡ ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, lớp trưởng chê chị cứng nhắc, khó tính.
"Mai này, khi học trò của tôi tổ chức hội khóa, họp lớp, nhất định tôi sẽ khuyên các em khi bước vào cổng trường, nên bỏ hết danh, hết tiền, hết quyền bên ngoài. Khi đã họp lớp, chỉ có tình nghĩa thầy trò, bạn bè mà thôi. Nếu không làm được như thế, thì đừng nên tổ chức", chị nói.
Tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi