Tài chính

Giữa năm ngoái, không cổ phiếu ngân hàng nào dưới 20.000 đồng, giờ có mã đã rớt về gần mệnh giá

Còn nhớ cùng thời điểm này vào năm ngoái (tháng 4-tháng 5/2021) là giai đoạn cổ phiếu ngân hàng bùng nổ. Không chỉ những cổ phiếu lớn đầu ngành mà các cổ phiếu ngân hàng nhỏ cũng tăng dựng đứng, hàng loạt mã tăng 50-100% chỉ trong 2 tháng.

Cuối tháng 5/2021, không cổ phiếu ngân hàng nào có giá dưới 20.000 đồng. Những mã có thị giá thấp nhất trong nhóm cũng dao động trong khoảng 24.000-25.000 đồng/cp như VBB, ABB, SGB,…đều tăng 80-100% chỉ trong 2 tháng.

Thời điểm đó, VCB vẫn giữ được giá trên 100.000 đồng/cp, VIB và VPB leo lên trên 70.000 đồng/cp và hàng loạt mã trên dưới 50.000 đồng/cp như TCB, CTG, BID, ACB,…

Tâm lý hưng phấn trên thị trường đã khiến nhiều công ty chứng khoán lúc này nâng định giá cho hầu hết cổ phiếu ngân hàng với giá mục tiêu trên 30%. 

Tuy nhiên, sau gần 1 năm, thị giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện có 3 mã ngân hàng đã xuống dưới 15.000 đồng/cp như VAB (12.500 đồng/cp), ABB (13.600 đồng/cp), VBB (14.900 đồng/cp).

Đồng thời, hàng loạt cổ phiếu bank xuống dưới mốc 20.000 đồng/cp, ở quanh vùng 15.000-18.000 đồng/cp như SHB, NAB, LPB, SGB, BVB.  

VCB vẫn là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất nhưng cũng đã lùi về 77.700 đồng/cp. Các mã có thị giá cao tiếp theo như TCB, VIB, BID đều xoay quanh mốc 40.000 đồng/cp.

Năm 2021, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu, mức chia cổ phiếu là 20-30% và thậm chí có nơi như VPB chia tới 80%. Hệ thống ngân hàng đã tăng vốn điều lệ thêm hơn 110.000 tỷ trong năm qua, là năm tăng vốn mạnh và ồ ạt nhất từ trước đến nay.

Các đợt phát hành thêm hàng trăm triệu, hàng tỷ cổ phiếu khiếp áp lực "pha loãng" quá lớn, giá điều chỉnh mạnh. Nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh cũng khiến thị trường không thể hấp thu kịp, dẫn đến cổ phiếu ngân hàng kém hấp dẫn.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư còn lo lắng với nợ xấu bùng phát hậu Covid-19 sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tài sản của các nhà băng. Lãi suất huy động tăng lên thời gian tới cũng được cho sẽ tác động tiêu cực đến NIM của nhóm ngân hàng. Những điều này khiến cổ phiếu ngân hàng trở nên phân hóa, một số mã có câu chuyện riêng vẫn nhận được sự quan tâm nhưng số còn lại trở nên kém hấp dẫn nhà đầu tư.

Là nhóm có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng không tránh khỏi những giai đoạn thị trường đi xuống. Theo các chuyên gia, dòng tiền "rẻ" sau 1 năm bùng nổ bởi Covid-19 từ các gói kích thích kinh tế, lãi suất thấp đã không còn. Một nguồn tiền lớn sẽ được chuyển sang đầu tư vào sản xuất kinh doanh, từ đó khiến thanh khoản bị ảnh hưởng. Thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng và sẽ không có chuyện tăng đồng loạt cả ngành như năm ngoái.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm