Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng đang hết sức sôi nổi. Mới đây, một ngân hàng đã hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thêm 35%.
Cụ thể, trong tháng 2 vừa qua, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã chốt danh sách cổ đông để phát hành 244 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 35%. Theo đó, vốn điều lệ ngân hàng tăng lên gần 10.000 tỷ đồng, theo đúng lộ trình tăng vốn đã được Đại hội đồng Cổ đông ABBank thông qua.
Ngày 12/4, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có Quyết định về việc sửa đổi nội dung Giấy phép thành lập và hoạt động của ABBank, trong đó sửa đổi vốn điều lệ từ 5.713 tỷ đồng lên 9.409 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở mức vốn điều lệ trên, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ABBank sẽ tiếp tục trình cổ đông thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm 991 tỷ đồng lên 10.400 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng này sẽ phát hành hơn 94 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10% cho cổ đông và phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) với giá 10.000 đồng/cp.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, nguồn vốn tăng thêm sẽ là nền tảng giúp ABBank thực hiện các mục tiêu kinh doanh tham vọng trong trung hạn 2021-2025 cũng như các giai đoạn phát triển tiếp theo của ngân hàng.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên, năm 2022, ABBank lên kế hoạch tổng tài sản năm 2022 đạt 138.250 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm cuối năm 2021. Giá trị huy động từ khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế dự kiến đạt 95.234 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 18%. Dư nợ tín dụng (bao gồm cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) sẽ thực hiện theo đúng phê duyệt tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng tăng trưởng 17% so với năm 2021.
Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.079 tỷ đồng, thu thuần từ dịch vụ dự kiến đạt 1.482 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) dự kiến tăng từ mức 16,4% (năm 2021) lên mức 19,2%.
ABBank sẽ chú trọng mở rộng tập khách hàng và phát triển sản phẩm cho các đối tượng chuyên biệt
ABBank cho biết ở mảng khách hàng cá nhân, ngân hàng này sẽ tập trung tăng dư nợ vào các sản phẩm cho vay mua nhà, sản xuất kinh doanh, và các loại hình dịch vụ như chuyển tiền quốc tế.
Ngân hàng cũng sẽ chuyển đổi tập khách hàng, tiếp tục chuyển dịch tỷ trọng sang phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở mảng ngân hàng bán buôn, ABBank dự kiến khai thác sâu chuỗi, hệ sinh thái của các tập đoàn.
Trước đó, trong năm 2021, ABBank đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan dù bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn.
Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ABBank đạt 120.862 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2020; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.979 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm.
Nhờ chuyển đổi số tích cực, số lượng khách hàng của ABBank tăng mạnh trong năm qua và vượt mốc 1,2 triệu khách hàng. Số lượng người dùng kích hoạt app AB Ditizen tăng 326% so với năm 2020. Chuyển đổi số không chỉ góp phần gia tăng doanh thu và số lượng khách hàng mà còn tối ưu chi phí hoạt động cho Ngân hàng thông qua quá trình số hóa các quy trình vận hành của Ngân hàng. Năm 2021, tổng chi phí hoạt động của ngân hàng thấp hơn 336 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.
Chuyển đổi số giúp tăng thêm công cụ kinh doanh và sức cạnh tranh của Ngân hàng
Về chất lượng tài sản, năm 2021, ABBank đã xử lý, thu hồi được giá trị 1.970,43 tỷ đồng nợ xấu và nợ có vấn đề, đạt tới 119% kế hoạch cả năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được khống chế ở mức dưới 2%, đảm bảo theo quy định của Ngân hàng nhà nước.
Trong năm 2021, nhà băng này đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý 773 tỷ đồng nợ xấu (trong đó: xử lý nợ xấu nội bảng 208 tỷ đồng, nợ xấu mua về từ VAMC 565 tỷ đồng). ABBank đã thu hồi được 204 tỷ đồng nợ xấu đã bán VAMC và 169 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý rủi ro theo dõi ngoại bảng trong năm 2021.
Cuối năm 2021, số dư trái phiếu đặc biệt của VAMC giảm mạnh xuống còn hơn 800 tỷ đồng. Chia sẻ với chúng tôi gần đây, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, ngân hàng dự kiến sẽ sạch nợ VAMC, tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt trong năm 2022.
ABBank cũng vừa có sự thay đổi đáng chú ý khi tái cơ cấu bộ máy trong những tháng đầu năm. Theo đó, ABBank thành lập hai Khối mới: Khối Bán hàng và dịch vụ để hỗ trợ Đơn vị kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyên môn hóa hoạt động bán hàng của lực lượng bán tiệm cận thị trường; và Khối Chiến lược Phát triển thực hiện các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quản lý thực thi chiến lược và quản trị các dự án chiến lược của Ngân hàng.
Được biết, trong vòng 10 năm trở lại thì đây chính là lần có sự điều chỉnh lớn nhất của ABBank về cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động.
Quyết liệt chuyển đổi nhằm phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức giai đoạn 2021-2025 là tư duy hành động mà ABBank sẽ bám sát trong năm nay.