Ngày 25.4, tại TP.HCM diễn ra hội thảo khoa học về sức khỏe người cao tuổi lần 1 năm 2025 do Chi hội dược sĩ hưu trí (thuộc Hội dược học TP.HCM) tổ chức. Vấn đề thuốc giả, sữa giả cũng được hội thảo đưa ra cảnh báo.
Dược sĩ Nguyễn Thị Kiêm, Phó chủ tịch Hội dược học TP.HCM, Chi hội trưởng Chi hội dược sĩ hưu trí TP.HCM, thông tin hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi để sống thọ, khỏe mạnh, sống vui và có ích cho xã hội. Từ đó sẽ giảm được chi phí bệnh tật, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Các dược sĩ, nhà thuốc góp phần rất lớn trong việc phòng chống sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả
ẢNH: DUY TÍNH
Tại hội thảo, Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đồng thời là Chủ tịch Hội dược học TP.HCM, cho biết khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, đặc biệt trong ngành dược và thực phẩm. Trong đó, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống không chỉ cho bệnh nhân trong bệnh viện và cho cả người cao tuổi ở nhà. Theo bà, cần có chính sách bao phủ hết các dịch tốt nhất cho người cao tuổi trên cả nước.
"Gần đây, cả xã hội rúng động về sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Hàng giả đang chực chờ vì hệ thống quản lý vẫn còn nhiều lỗ hổng để cho một số người lợi dụng", PGS-TS Phong Lan nói.
PGS-TS Phong Lan cho rằng, các nhà thuốc, dược sĩ góp phần của mình vào chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả bằng cách làm thật tốt, tạo ra những sản phẩm đúng chuẩn, sản phẩm sạch để đẩy lùi, tiến tới là triệt tiêu sản phẩm giả. Toàn thể hội viên Chi hội dược sĩ hưu trí đang góp phần một cách trực tiếp vào vấn đề này.
"Thực tế cho thấy gần 600 loại sữa giả đa số được phân phối, kinh doanh thông qua mạng xã hội, và không biết bắt đền ai. Trong khi đó, nếu cùng nhau xây dựng hệ thống phân phối dược đúng chuẩn, chặt chẽ theo pháp luật quy định thì người dân khi vào nhà thuốc mua hàng thì không có đâu chuẩn bằng", PGS-TS Phong Lan nói.
Bà nhắn nhủ các dược sĩ, nhà thuốc đừng để hàng giả len lỏi vào nhà thuốc; đừng vì cạnh tranh, lợi nhuận mà cái gì cũng bán, thuốc kê đơn không có ý kiến bác sĩ cũng bán. Tất cả những vấn đề này làm xói mòn lòng tin.
PGS-TS Phong Lan nhấn mạnh vai trò của dược sĩ nhà thuốc, chủ nhà thuốc, vì nếu lơ là, bán nguyên một lô thuốc giả thì sẽ ảnh hưởng rất lớn, đó là tính mạng của nhiều người dân.
Người đứng đầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khẳng định, ngành quản lý tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt, thậm chí chuyển hình sự đối với thực phẩm giả, thuốc giả.
"Bất cứ giá nào vẫn giữ hình phạt cao nhất đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả là chung thân và thuốc giả là tử hình. Phải xử lý thật nghiêm không chỉ hành vi làm hại người dân mà còn là ảnh hưởng uy tín ngành", PGS-TS Phong Lan nhấn mạnh với vai trò là đại biểu Quốc hội.
Gần 400.000 hồ sơ sức khỏe điện tử được tích hợp trên nền tảng ứng dụng Công dân số TP.HCM
Ngày 25.4, Sở Y tế TP.HCM cho biết, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM, ngành y tế đã xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân và được tích hợp trên ứng dụng (app) Công dân số TP.HCM.
Từ tháng 4.2025, ngành y tế chính thức khởi động tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử tích hợp trên app Công dân số TP.HCM. Khởi đầu là tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử của người cao tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 396.794 hồ sơ sức khỏe điện tử của người cao tuổi được đồng bộ thành công. Người dân TP.HCM cài đặt app Công dân số TP.HCM sẽ dễ dàng vào hồ sơ sức khỏe điện tử để theo dõi tình hình sức khỏe của mình.
Trong thời gian tiếp theo, app Công dân số TP.HCM sẽ mở rộng tích hợp hồ sơ sức khỏe điện tử của học sinh.
App Công dân số TP.HCM không chỉ giúp người dân tra cứu thông tin hành chính mà còn là nền tảng quản lý sức khỏe cá nhân, một bước tiến lớn trong y tế thông minh.