Kongkong, nhà nghiên cứu 26 tuổi, tuyên bố không sinh con, nói rằng phải cần rất nhiều tiền để có được cuộc sống tạm coi là đầy đủ cho trẻ nhỏ phát triển toàn diện. "Những thứ học ở trường công lập đều là tuyên truyền, giáo điều, nên tôi mong có thể gửi con đến trường quốc tế hoặc cho đi du học. Nhưng kinh tế không cho phép nên quyết định không sinh con", cô nói.
Hôm 17/1, chính phủ Trung Quốc cho biết riêng trong năm 2022, tỷ lệ sinh của nước này là 6,77 ca trên 1.000 nguời, giảm 0,75 ca so với năm 2021. Trong khi đó ghi nhận đến 7,37 ca tử vong trên 1.000 người, tăng 0,19 so với năm trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1960, nước nay ghi nhận số ca sinh ít hơn số ca tử vong.
Báo động trước tỷ lệ sinh ngày càng thấp, các nhà nhân khẩu học Trung Quốc đang nỗ lực loại bỏ chính sách một con, sau khi duy trì hơn một thập kỷ trước và chấm dứt vào năm 2015. Nhưng tại thời điểm đó, mọi tình thế xoay chuyển đã quá muộn.
Từ năm 1990, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc - số trẻ nhỏ trung bình mà một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời, đã giảm xuống mức thay thế là 2,1. Con số này là 1,3 vào năm 2020 và giảm xuống còn 1,15 vào năm 2021.
E ngại những tác động tiêu cực của dân số già cùng tình trạng thiếu lao động, chính phủ nước này đã cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con vào năm 2015 và tiếp tục nới lỏng giới hạn sinh thành ba con vào năm 2021.
Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chi phí nuôi dạy con cái ngày càng tăng và việc thiếu các khoản phúc lợi là lý do chính khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc ngày càng thấp. Trong những năm gần đây, chính phủ nước này đã bắt đầu đưa ra các ưu đãi như giảm thuế, trợ cấp chăm sóc trẻ em và cung cấp ngày nghỉ phép dài cho bố mẹ. Đơn cử như thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông vừa công bố các ưu đãi tài chính với tổng số tiền lên đến 37.500 nhân dân tệ (gần 130 triệu đồng) cho các gia đình sinh ba con.
Nhưng các phúc lợi trên chưa mang lại hiệu quả. Cuộc khảo sát trực tuyến năm 2022 với hơn 20.000 người, chủ yếu là phụ nữ ở thành phố trong độ tuổi 18-25, 2/3 số người được hỏi thờ ơ với việc sinh con.
Năm ngoái, hashtag #thelastgeneration (thế hệ cuối cùng) bắt đầu được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội của nước này. Trong các bài viết có gắn từ khóa này, nhiều người trẻ nói không muốn sinh con, tự nhận mình là "thế hệ cuối cùng".
"Tôi đã mua một chiếc áo phông với dòng chữ "We are the last generation" (chúng tôi là thế hệ cuối cùng) trên đó. Tôi không muốn đưa một đứa trẻ đến với thế giới này và bắt chúng phải chịu đau khổ", Kongkong nói.
Eunice, gia sư tiếng Anh 34 tuổi, cũng nói rằng đại dịch mang đến cảm giác bất an và ảnh hưởng đến quyết định sinh con. "Có con không phải là điều tôi cân nhắc lúc này bởi tự lo liệu cho bản thân cũng còn nhiều khó khăn", cô nói.
Wang Feng, giáo sư xã hội học học tại Đại học California (Mỹ), nói rằng sự suy giảm dân số đã bắt đầu sớm hơn gần một thập kỷ so với dự đoán của Liên Hợp Quốc. Gần đây nhất là năm 2019, tổ chức này dự đoán dân số Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2031-2032.
Ông Wang cho rằng sự suy giảm dân số có thể là do chính sách một con bắt đầu từ nhiều năm trước, dẫn đến số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ít muốn có con, đa phần là trì hoãn hoặc từ bỏ hôn nhân.
Theo các chuyên gia, sự suy giảm dân số sẽ không ảnh hưởng ngay đến nền kinh tế vì nguồn lực lao động vẫn ở mức lớn (trên 790 triệu người), nhưng chúng đang ngầm thể hiện mô hình tăng trưởng kinh tế không bền vững.
Wu Qiang, nguyên giảng viên tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho biết tình trạng thiếu lao động có thể dẫn đến sự phá sản mô hình phát triển kinh tế, vốn dựa vào lực lượng lao động đông đảo và giá rẻ của đất nước.
Chien-Chung Wu, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Hàng hải Đài Bắc, cho biết sự suy giảm dân số cuối cùng có tác động lớn đến nền kinh tế nước này. Ông tin rằng việc thu hẹp lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng có thể khiến nước này đánh mất lợi thế và thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài chuyển hướng phát triển sang các quốc gia khác ở châu Á.
(Theo The Guardian)